Đề phòng bệnh dại
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 56 trường hợp tử vong do bệnh dại. Đáng lo ngại là nhiều người còn chủ quan khi bị chó cắn không đi tiêm phòng mà tự chữa dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho chó.
Số ca tử vong tập trung ở khu vực nông thôn, miền núi
Diễn biến bệnh dại đang hết sức lo ngại. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 56 trường hợp tử vong do bệnh dại, xảy ra tại 29 tỉnh, thành phố. Số trường hợp tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay đã tương đương so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số ca tử vong tập trung nhiều nhất ở khu vực nông thôn, miền núi nơi đa phần người dân thả rông chó và chưa nhiều người tiêm phòng vaccine dại. Thậm chí, khi bị chó cắn, người dân cũng không tiêm vaccine mà tự chữa. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cho biết thông tin này tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh diễn ra mới đây.
Theo ông Long, bệnh dại tưởng chừng đơn giản, có vaccine phòng bệnh nhưng không ít người chủ quan dẫn đến những cái chết rất thương tâm. Nếu sau khi bị chó, mèo nghi dại cắn, người bệnh được tiêm vaccine thì có thể cứu sống được 56 người trong năm nay.
Đó hoàn toàn là do tâm lý chủ quan, nhiều người khi bị chó dại cắn thay vì đi tiêm phòng vaccine thì lại tìm đến những thầy lang để chữa theo cách dân gian. Như trường hợp đau xót của cháu Lê Việt Hoàng, 4 tuổi (xóm Nam Sơn, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương). Cháu Hoàng bị chó nhà cắn vào ngày 17-1-2017, phát dại ngày 19/3 và tử vong vào ngày 22-3-2017. Trước đó, thay vì cho cháu đi tiêm vaccine thì gia đình lại tìm đến một thầy lang ở thị xã Cửa Lò và chữa theo phương pháp dân gian, dẫn đến hậu quả đau lòng.
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp- trưởng Khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, mỗi năm, bệnh viện ghi nhận khoảng hơn 10 ca bị chó dại cắn, nhưng không tiêm dự phòng vaccine mà lại tìm thầy lang để điều trị và được tư vấn là không phải bị dại. Những ca bệnh này khi đến bệnh viện thì đã lên cơn dại và không thể cứu chữa.
Cũng theo các bác sĩ, thực tế, khi virus dại đã tấn công vào não và bệnh nhân đã lên cơn dại kịch phát thì chắc chắn không cứu được. Số ca bệnh dại nhập viện ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó thường gặp trong những năm gần đây là ở Thái Nguyên, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình…
“Ở Thái Bình, một gia đình có 2 chú cháu bị chó dại cắn, người chú thì tiêm phòng, còn cháu gia đình đưa đi khám thầy lang gần nhà. Nghe gia đình kể, thầy lang thử vết chó cắn và bảo không phải chó dại, nên gia đình không đưa cháu đi tiêm. Chỉ hôm sau, cháu lên cơn dại và tử vong”- BS Cấp chia sẻ.
Bệnh dại có thời gian ủ bệnh trung bình từ 10 ngày đến 2 năm, tùy theo vị trí vết thương bị chó cắn. Nếu chó cắn ở chân thì ủ bệnh rất lâu, nếu ở đầu hay mặt thì thời gian ủ bệnh rất ngắn.
Làm gì để phòng bệnh dại?
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người bị bệnh dại gần như tử vong 100%.
Cũng theo ông Phu, bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vaccine phòng. Do đó, người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại.
Để phòng chống bệnh dại, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông chó mèo hoặc ra đường phải đeo rọ mõm, không đùa nghịch, trêu chọc chó mèo.
Đặc biệt, khi bị chó mèo cắn, cào, cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70% hoặc povidone, iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
Ngay sau khi xử lý đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Bằng mắt thường không thể phân biệt được con chó cắn người có mang virus dại hay không, do đó khi có người nhà bị chó dại cắn cần theo dõi con vật. Nếu bị cắn mà không biết chắc con chó có bị dại không thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để được tư vấn. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường 2-4 ngày.
Bà con mình thường có thói quen là đập chết chó khi nó cắn bậy, theo các chuyên gia y tế không nên làm như thế. Cách xử lý đúng là nên nhốt chó lại để theo dõi, nếu có điều kiện thì mang chó đến các cơ sở thú y để được xác định có nhiễm virut dại hay không. Nếu sau đó chó vẫn khỏe mạnh thì người bị cắn có thể an tâm hơn (tuy nhiên vẫn phải đưa người bị chó cắn đến Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời). |
Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng: Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. |