Xử lý nợ xấu chưa như kỳ vọng

H. Hương 02/10/2017 09:00

Tín dụng 9 tháng tăng trưởng trên 11%, khối nợ xấu mà Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua về cũng tương đương gần 12 tỷ USD. Gần đây, để thúc đẩy tăng trưởng, vốn đã được đưa ra khá nhiều nhưng các khoản nợ xấu tồn đọng.

Công tác xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn.

Ngịch lý giữa mua và xử lý

Mới đây, giới chuyên gia đến từ ngân hàng phát triển Châu Á đưa ra khuyến cáo bằng việc hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi tính tới khối lượng lớn các khoản nợ xấu còn tồn đọng.

Theo các chuyên gia việc giải quyết nợ xấu đến nay rất hạn chế mặc dù tỉ lệ nợ xấu được xác định là 2,6% tổng dư nợ tại thời điểm cuối tháng 3/2017, song tổng nợ xấu – bao gồm cả nợ xấu được báo cáo, nợ xấu chưa xử lý đang được quản lý bởi VAMC và nợ được phân loại là có rủi ro trở thành nợ xấu ước tính lên đến 10,1% tổng dư nợ trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, VAMC mới chỉ xử lý được gần 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong khi VAMC đã mua thêm khoảng 16 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Điều này có nghĩa là tổng nợ xấu của VAMC lại tăng lên.

Trong khi đó theo thống kê cụ thể của VAMC, trong gần bốn năm qua, để đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống về mức dưới 3%, VAMC đã mua một khối lượng nợ xấu rất lớn. Cụ thể, tính đến hết tháng 8/2017, VAMC đã mua 26.110 khoản nợ xấu từ 16.197 khách hàng với giá trị mua 266.335 tỷ đồng.

Và trên thực tế trong suốt 4 năm qua, công tác xử lý nợ xấu cũng rất mờ nhạt, chỉ được nhớ đến bằng thương vụ VAMC vừa tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo là Dự án cao ốc Saigon One Tower do công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower làm chủ đầu tư. Tính ra, VAMC thu hồi được khoảng 60 nghìn tỷ đồng nợ xấu trên tổng số hơn 260 nghìn tỷ đồng nợ xấu mua lại từ các TCTD chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn

Tổng giám đốc VAMC, ông Đoàn Văn Thắng còn cho biết, ngay cả khi VAMC và khách hàng đã thỏa thuận bán đấu giá tài sản thu giữ được cũng không hề đơn giản. Rất nhiều tài sản đấu giá 5 - 6 lần đều không thành. Có tài sản được đấu giá đến lần thứ 10. Trong đó nguyên nhân cũng được VAMC chỉ ra có thể do người mua chưa quan tâm lắm và mức giá chưa thực như kỳ vọng của họ.

Tiếp tục kỳ vọng

Tính đến thời điểm này Nghị quyết 42/2017/QH về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng cũng đã có hiệu lực gần một tháng rưỡi. Trước khi được áp dụng, nhiều chuyên gia kỳ vọng Nghị quyết là thanh bảo đao để xử lý nợ xấu bởi nó có quy định rất quan trọng đó là cho phép VAMC, ngân hàng được mua bán khoản nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách.

Đây vốn là trở ngại rất lớn đối với VAMC cũng như ngân hàng trong thời gian qua do liên quan đến trách nhiệm của người cho vay. Và VAMC đã mua thành công khoản nợ đầu tiên từ Ngân hàng TMCP Bản Việt vào tháng 8 vừa qua, khoản nợ này có tài sản đảm bảo là khách sạn Đà Nẵng

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Nghị quyết 42 sẽ góp phần thúc đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu vốn là điểm nghẽn lớn của hệ thống kinh tế. Còn Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng buộc phải xử lý các khoản nợ xấu đã phát sinh và với tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng thì một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả là tỷ lệ nợ xấu phải giảm xuống trong thời gian sau này.

Theo đó thì quy mô nợ xấu hy vọng sẽ về mức hợp lý. Mới đây VAMC cũng đã được phê duyệt cấp tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Như vậy, vốn cho quá trình mua và xử lý nợ xấu đã được bơm thêm, lực đẩy xử lý nợ xấu lại được bổ sung đã đem lại nhiều kỳ vọng việc tháo gỡ điểm nghẽn nợ xấu.

Song theo kiến nghị của ông Đoàn Văn Thắng, tổng giám đốc VAMC, cần được hỗ trợ về hệ thống công nghệ thông tin để kết nối với các tổ chức tín dụng ở Việt Nam nhằm theo dõi các khoản nợ và tài sản đảm bảo. Đồng thời VAMC cũng cần sự hỗ trợ từ các tổ chức tư vấn khi hiện nay đang triển khai mua nợ bằng tiền thật, nên cần kinh nghiệm về mua nợ và quản lý khoản nợ.

Ngoài ra, hiện nay hầu hết tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu đều là bất động sản. Do đó, VAMC đề nghị, Bộ Tài nguyên Môi trường hoàn thiện các thủ tục thế chấp, chuyển nhượng tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu còn dang dở. Cùng với đó, Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn việc áp dụng các thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo tại tòa án nhằm hỗ trợ cho việc xử lý, thu hồi nợ xấu nhanh chóng và hiệu quả.

H. Hương