Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giáo viên có sẵn sàng đổi mới?

Bảo Thoa 02/10/2017 08:15

Như thông tin đã đưa, Bộ GD&ĐT đang dự kiến đề xuất lùi thời gian thực hiện chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) mới 1 năm. Theo đó, thay vì triển khai thực hiện ngay từ năm học 2018, chương trình giáo dục phổ thông mới có khả năng sẽ thực hiện từ năm học 2019 - 2020. Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, việc đổi mới đòi hỏi phải bắt đầu từ chính giáo viên (GV).

Giáo viên - yếu tố quan trọng nhất của đổi mới giáo dục.

Vai trò quan trọng của người dạy

Theo GS.VS Đào Trọng Thi- nguyên chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, dù chương trình giáo dục phổ thông được biên soạn đạt được những yêu cầu đặt ra thì nó mới chỉ là CT SGK.

Còn điều quan trọng nhất phải là người dạy- yếu tố quyết định tính thành công của chương trình, bên cạnh các điều kiện khác như trang thiết bị giảng dạy, cơ sở vật chất nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh. Khó khăn hơn nữa là hàng triệu giáo viên bây giờ phải đào tạo lại họ như thế nào để họ giảng dạy được các môn học tích hợp. Sự chuẩn bị này đòi hỏi ngành giáo dục phải đầu tư rất lớn cả về thời gian lẫn công sức.

Thực tế thời gian qua cho thấy, chỉ riêng chương trình giáo dục VNEN- mô hình trường học mới, cũng chưa nhận được sự hưởng ứng từ phía GV. Bởi để dạy học sinh thì GV cũng phải quyết liệt đổi mới, phải mất công sức để tham gia những lớp tập huấn, phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu phương pháp đào tạo…

Nói cách khác là lâu nay, GV đang gặp hạn chế lớn về sức ỳ, do đó việc lùi lại 1 năm để chuẩn bị cũng chưa hẳn đã giúp cải thiện thực trạng đội ngũ nhà giáo so với hiện nay.

Nhìn nhận cụ thể hơn, PGS.TS Trần Trung Ninh - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích, hiện đang tồn tại 3 “nghịch lý” trong đào tạo, sử dụng GV phổ thông. Trước hết là GV có vai trò lớn, nhưng vị thế thấp. Vai trò quyết định chất lượng giáo dục của đội ngũ GV là điều hiển nhiên, tuy nhiên tiền lương thấp, không đủ đảm bảo đời sống đã hạ thấp vị thế nghề dạy học và vị thế của nhà giáo.

Hiện thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương cho GV phổ thông không đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ bản về đời sống của bản thân và gia đình họ, nhất là ở các vùng đô thị. Khoảng trên 40% không muốn làm nghề sư phạm nếu được chọn lại ngành nghề vì lương quá thấp. Do đó, trong lần đổi mới căn bản và toàn diện lần này, vấn đề lương GV nếu không được giải quyết thỏa đáng thì dù chương trình và SGK có hiện đại, ưu việt cũng chưa đủ.

Nghịch lý thứ hai là lâu nay GV được đào tạo đơn môn, nhưng lại dạy học tích hợp. Và nghịch lý thứ 3 là có tích lũy văn bằng, chứng chỉ, nhưng không đạt được giáo dục thực chất. Nhà nước hàng năm dành một khoản tiền lớn để bồi dưỡng GV và cán bộ quản lý giáo dục.

Tuy nhiên, do chưa có cơ quan kiểm định chất lượng GV một cách độc lập cho nên hiệu quả của công tác bồi dưỡng GV còn thấp. Hiện chưa có chuẩn nghề nghiệp mới cho GV phù hợp với định hướng đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục. GV tích lũy các văn bằng, chứng chỉ chủ yếu là để đối phó với các quy định của cơ quan chủ quản, mà ít có sự áp dụng vào thực tiễn dạy học.

Sẽ lấy ý kiến nhân dân

Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, theo đề xuất dự kiến của Bộ GD&ĐT, phương thức thực hiện CT-SGK phổ thông mới cũng thay đổi.

Thay vì thực hiện đồng loạt cả 3 lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) thì sẽ chỉ thực hiện từ lớp 1 trong năm đầu tiên đổi mới 2019. Ông Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ, mong có được một chương trình phổ thông tốt nhất chứ không gấp gáp. Cần tránh thay đổi nhiều trong GD&ĐT để gây ra những biến động trong xã hội…

Còn GS Nguyễn Minh Thuyết- tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay, trước đề xuất lùi thời gian thực hiện chương trình mới, ông chính là người mừng nhất.

Theo ông, đến thời điểm này tất cả các môn học đều đã có dự thảo chương trình. Trong tháng 8 vừa qua, Ban soạn thảo chương trình đã tổ chức nhiều hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia về chương trình từng môn học, sau đó sẽ hoàn thiện một bước các chương trình này.

Sau khi hoàn thiện xong, trong tháng 10 này, Ban soạn thảo chương trình sẽ tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia trong nước và chuyên gia tư vấn quốc tế trước khi xin phép Bộ GD&ĐT đưa lên mạng lấy ý kiến nhân dân. Bước tiếp theo là tiếp tục hoàn thiện, rồi đưa thẩm định. Khi các chương trình đều được các Hội đồng thẩm định thông qua thì Bộ sẽ ban hành toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới, gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

GS Nguyễn Minh Thuyết đồng tình rằng, để triển khai CT- GSK phổ thông mới, nhân tố quan trọng nhất là GV. Vì vậy, rất cần có thời gian để tập huấn kỹ và có biện pháp đổi mới phương pháp tập huấn cho các GV. Song điều đáng ngại nhất là GV có sẵn sàng đổi mới không. Đổi mới thì học sinh và xã hội có lợi, nhưng GV sẽ vất vả hơn. Vì vậy, phải làm sao để gợi được cảm hứng và tạo được động lực cho thầy cô.

Mừng vì chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được đề xuất lùi lại một năm thực hiện, nhưng nhiều người vẫn rất băn khoăn lo ngại rằng, liệu 1 năm có đủ để “lấp đầy” những khoảng trống về cơ chế chính sách, đội ngũ, cơ sở vật chất… như mong muốn hay không? Vấn đề quan trọng nhất không phải là thời gian áp dụng mà là Bộ GD&ĐT cùng toàn ngành giáo dục đã chuẩn bị các nguồn lực cho sự thay đổi ấy như thế nào…

Bảo Thoa