Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Vẫn lúng túng tính giá trị thương hiệu
Báo Đại Đoàn Kết ra ngày 18/9 có bài “Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Tính sao giá trị thương hiệu?”. Phản ánh việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VHTTDL phải tính giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) khi cổ phần hóa. Bộ VHTTDL đã kiến nghị Bộ Tài chính cách tính giá trị thương hiệu này nhưng về phía Bộ Tài chính tỏ ra lúng túng.
Cách tính giá trị thương hiệu VFS vẫn chưa có phương án sáng sủa.
Khi tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp VFS, Bộ VHTTDL đã thuê tư vấn của Công ty TNHH kiểm toán quốc gia VIA và Công ty chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương. Trên cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp của đơn vị tư vấn, ý kiến của tập thể Ban Giám đốc công ty và ý kiến thẩm tra của Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định 4126/QĐ-BVHTTDL ngày 26/11/2015 về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.
Theo đó, giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 0h ngày 30/9/2014 của VFS được xác định theo nguyên tắc và phương pháp tài sản để cổ phần hóa như sau: Giá trị thực tế của VFS là 91.713.580.429 đồng; Giá trị phần thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 19.658.528.553 đồng; Nợ thực tế phải trả: 72.055.051.876 đồng.
Tuy nhiên, phải nói rõ rằng, nhiều tài sản khác đã không được xác định giá trị, trong đó có giá trị thương hiệu VFS. Bức xúc vì việc này, nhiều nghệ sĩ đã nghỉ hưu, đang công tác tại VFS đã có đơn thư gửi nhiều cơ quan có thẩm quyền.
Vì vậy, ngày 28/12/2016, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 441/TB-VPCP. Nội dung thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 14/12/2016 về công tác cổ phần hóa VFS và quản lý đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp.
Theo đó: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTTDL: “Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Khoa học và công nghệ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày, truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam để điều chỉnh tăng giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định”.
Mấy tháng sau, khi đã cổ phần hóa đâu đấy và coi Công ty vận tải thủy (Vivaso) là nhà cổ động chiến lược và chiếm tới 65% phần vốn, Bộ VHTTDL mới có văn bản ngày 3-5-2017 gửi Bộ Tài chính xin ý kiến về việc xác định giá trị thương hiệu VFS với các yếu tố đặc thù: Hệ thống lao động và uy tín của lực lượng lao động bao gồm các giải thưởng quốc tế, các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, các kỹ thuật viên có tay nghề đã và đang làm việc cho VFS để tạo nên uy tín cho VFS; Giá trị của các sản phẩm cụ thể là các tác phẩm điện ảnh trong tương lai vẫn còn sử dụng không chỉ chiếu rạp mà còn chiếu trên các kênh truyền hình.
Đây là nguồn thu lớn và là sản phẩm duy nhất mà hãng có; Các giá trị hợp đồng đang hợp tác vì có thương hiệu của VFS thì nhà nước mới đặt hàng Hãng sản xuất; Khả năng liên kết với các công ty trong và ngoài nước. Phải có bề dày uy tín thì các công ty mới đến làm việc với VFS.
Kèm theo công văn xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ VHTTDL gửi phương án xác định giá trị thương hiệu VFS nhưng còn băn khoăn về tính pháp lý.
Ngày 30/5/2017, Bộ Tài chính có văn bản số 7091/BTC-TCDN trả lời (Thứ trưởng Trần Văn Hiếu ký). Bộ Tài chính nêu căn cứ xác định giá trị thương hiệu khi cổ phần hóa là căn cứ vào Điều 32 Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần: “1. Giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển. 2. Giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa do cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa xem xét, quyết định nhưng không thấp hơn giá trị lợi thế kinh doanh được xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”.
Công văn cũng nêu căn cứ để áp dụng tính giá trị thương hiệu căn cứ theo điểm a, khoản 7 Điều 18 Thông tư 127/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014: “Giá trị lợi thế kinh doanh tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá theo qui định tại Điều 32 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển được xác định như sau: Giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 5 năm, bao gồm chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang web....”.
Và Bộ Tài chính cũng nêu căn cứ Điều 23 (xác định giá trị doanh nghiệp bằng phương pháp khác) Thông tư 127/2014/TT-BTC: “Ngoài 2 phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp nêu tại Mục II, Mục III Chương III của Thông tư này; Tổ chức tư vấn định giá xác định giá trị doanh nghiệp được áp dụng các phương pháp định giá khác để xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá.
Các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp này phải đảm bảo tính khoa học, phản ảnh thực chất giá trị doanh nghiệp và được quốc tế áp dụng rộng rãi, dễ hiểu dễ sử dụng trong tính toán; thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo các phương pháp khác phải là thời điểm kết thúc quý hoặc năm gần nhất với thời điểm có quyết định cổ phần hóa”.
Cuối cùng công văn hướng dẫn căn cứ vào Điều 24 (Lựa chọn, sử dụng kết quả xác định giá trị doanh nghiệp) Thông tư 127/2014/TT-BTC: “Kết quả xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu hoặc phương pháp khác phải được so sánh với kết quả xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản cùng thời điểm để lựa chọn theo nguyên tắc: Giá trị doanh nghiệp được xác định và công bố không được thấp hơn giá trị doanh nghiệp xác định theo phương pháp tài sản”.
Thế nhưng, tất cả các cách tính này đều chưa thể xác định được giá thương hiệu VFS “căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày, truyền thống” của VFS theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 441/TB-VPCP. Do đó, Bộ Tài chính thống nhất để Bộ VHTTDL thuê công ty định giá để xác định giá trị thương hiệu trên cơ sở nghiên cứu các quy định hiện hành và tham khảo các phương pháp tính trên thế giới.