Trò chuyện với nhà toán học nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh
Trong số các Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017, có một giải thuộc về cụm công trình toán học của 3 giáo sư Ngô Việt Trung, Nguyễn Tự Cường và Lê Tuấn Hoa ở Viện Toán học Việt Nam. Vậy là sau 21 năm kể từ lần trao giải đầu tiên cho các Giáo sư Lê Văn Thiêm và Hoàng Tụy năm 1996, ngành toán học mới lại có vinh dự này. Chúng tôi có cuộc trò chuyện thân mật với GS. Ngô Việt Trung. Ông năm nay 64 tuổi, từng là tổng biên tập tạp chí Acta Mathematica Vietnamica (1990-2006) và Viện trưởng Viện Toán học V
GS Lê Tuấn Hoa, GS Ngô Việt Trung, GS Nguyễn Tự Cường trong lễ nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017 (từ trái qua phải).
Phạm Quang Đẩu: Trước hết xin chúc mừng anh và hai đồng nghiệp được nhận giải lần này! Thưa anh, kể từ lần đầu đến nay đã trải qua 5 lần trao giải lĩnh vực toán học mới lại có “khôi nguyên”, như thế thời gian có phải là... hơi dài?
GS Ngô Việt Trung: Khoa học cơ bản ở Việt Nam có rất nhiều thành tựu xuất sắc mang tầm quốc tế. Tuy nhiên có một nghịch lý là các nhà khoa học cơ bản khó được giải thưởng Hồ Chí Minh vì người ta thường đòi hỏi các công trình khoa học phải có ứng dụng cụ thể trong đời sống mà không nhìn thấy vai trò của nghiên cứu cơ bản là làm giàu kho tàng tri thức nhân loại. Những phát hiện quan trọng nhất làm thay đổi thế giới chỉ có thể xuất hiện trong một nền khoa học cơ bản phát triển và là sự tổng hợp trí thức của nhiều ngành khoa học khác nhau. Rất ít người biết rằng toán học đứng đằng sau hầu hết các ứng dụng của máy vi tính, điện thoại thông minh, thẻ từ... trong đó có những công cụ toán học rất cao siêu. Không phải ngẫu nhiên mà một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá chỉ số sáng tạo của một đất nước là số lượng công trình công bố quốc tế của các nhà khoa học nước đó. Rất may là trong những năm gần đây xã hội đã có một cái nhìn tích cực hơn về nghiên cứu khoa học cơ bản.
Thông qua các cơ sở dữ liệu người ta có thể phần nào định lượng được mức độ xuất sắc của các công bố khoa học trong khoa học cơ bản so với thế giới. Có lẽ đó là nguyên nhân mà năm nay có một giải thưởng Hồ Chí Minh được trao cho ngành Toán, một ngành khoa học cơ bản ở Việt Nam có truyền thống làm việc theo các chuẩn mực quốc tế. Hy vọng rằng là khoa học cơ bản sẽ có giải thưởng Hồ Chí Minh trong những đợt tiếp theo. Đó sẽ là sự khích lệ rất lớn đối với những người chiến sĩ “hay bị lãng quên” trong mặt trận khoa học được hiến pháp và nhiều nghị quyết của Đảng coi là then chốt trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Anh có thể nói vắn tắt về công trình đoạt giải của nhóm đại số giao hoán?
- Đại số giao hoán chỉ là một trong khoảng một trăm chuyên ngành của toán học. Công trình của chúng tôi được chọn lọc từ gần 200 bài báo công bố từ năm 1980 đến 2008. Công trình được đánh giá “đặc biệt xuất sắc” bởi đã mở ra một số hướng nghiên cứu mới, phát hiện một số kết quả đột phá góp phần thúc đẩy sự phát triển của đại số giao hoán. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay các công bố của chúng tôi đã được trích dẫn gần 2000 lần bởi hơn 600 tác giả trên toàn thế giới.
Nhìn vào số lượng công trình tiêu biểu thì cả ba người đều xấp xỉ bằng nhau, giữa anh và hai đồng nghiệp đã có sự hợp tác gì trong nghiên cứu?
- Công trình đầu tiên của tôi là viết chung với anh Nguyễn Tự Cường. Còn anh Lê Tuấn Hoa vốn là nghiên cứu sinh đầu tiên của tôi. Khi gần xong luận án thì tôi giới thiệu anh ấy sang CHDC Đức làm nghiên cứu sinh với thầy của tôi để học thêm kiến thức. Thời gian đầu chúng tôi có một số công trình chung. Sau này chúng tôi nghiên cứu các vấn đề khác nhau trong cùng một chủ đề. Chúng tôi tổ chức hội thảo hàng tuần về chủ đề này và thường xuyên thảo luận với nhau về các vấn đề đang nghiên cứu.
Được biết anh và anh Nguyễn Tự Cường học cùng trường, cùng khóa. Anh có thể kể lại một kỷ niệm đáng nhớ giữa hai người?
- Tôi và anh Nguyễn Tự Cường quen nhau từ cuối năm lớp bảy khi chúng tôi dự lớp bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện Từ Liêm. Sau đấy chúng tôi trúng tuyển vào lớp chuyên toán của Hà Nội. Học được ít lâu thì anh Cường trúng tuyển vào lớp chuyên toán của Đại học Sư phạm. Tốt nghiệp phổ thông thì số phận lại đưa chúng tôi cùng đi du học ở Đông Đức. Nhờ sự can thiệp của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu mà chúng tôi cùng được học toán tại Đại học tổng hợp Halle và ở cùng phòng 3 năm cuối. Chúng tôi cùng có chung thầy hướng dẫn khi nhận đề tài tốt nghiệp, viết chung một luận án. Luận án tốt nghiệp của chúng tôi được đánh giá xuất sắc và được nhận giải thưởng Adam-Kuckhoff cho các nhà nghiên cứu trẻ. Sau đó nội dung luận văn được viết thành một bài báo khoa học, có thêm đồng tác giả cũng là một học trò của thầy chúng tôi.
Bài báo giới thiệu một cấu trúc mới là vành Cohen-Macaulay suy rộng. Không ngờ là cấu trúc này đã mở ra một hướng nghiên cứu mới trong chuyên ngành đại số giao hoán. Đến hôm nay công trình đã đạt tới con số trích dẫn thuộc hàng cao ở Việt Nam, hơn 100 lần trong các tạp chí toán quốc tế thuộc hệ thống ISI.
Anh vừa nhắc đến cố GS.Tạ Quang Bửu, ông có ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp toán học của anh?
- Năm tốt nghiệp phổ thông, tôi đoạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc. Sau đấy tôi là người đạt số điểm tối đa duy nhất kỳ thi toán chọn học sinh đi du học. Đề bài do bác Bửu soạn và có lẽ vì vậy mà bác chú ý đến tôi. Do tôi bị bại liệt phải đi nạng nên không nước nào nhận tôi sang du học. Đúng lúc đó có ông thứ trưởng Bộ Giáo dục CHDC Đức sang thăm nước ta, bác liền đề nghị họ nhận tôi sang Đông Đức học. Không có bác Bửu, chưa chắc tôi đã theo được nghiệp toán. Tôi kể thêm chuyện này để thấy sự uyên thâm trong toán học của bác Bửu. Năm 1978 tôi tốt nghiệp tiến sĩ về nước, bác Bửu gọi tôi đến nhà riêng ở phố Hoàng Diệu. Khi biết tôi nghiên cứu về đại số giao hoán bác liền đưa tôi 2 quyển vở dầy ghi chép những suy ngẫm của bác khi đọc cuốn “Đại số địa phương-số bội” của J.P. Serre, một cuốn sách kinh điển về đại số giao hoán. Ông J.P. Serre là nhà toán học trẻ nhất được Giải Fields năm 1954. Trang đầu một cuốn vở có ghi: “Đồ Sơn 1973”. Vậy là từ năm ấy bác đã nghiên cứu về đại số giao hoán, và đấy cũng là lúc tôi chân ướt chân ráo đi vào ngành toán. Cuốn sách đó tôi chỉ đọc khi làm nghiên cứu sinh, mà cũng chỉ là đọc theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa.
Có một “thời sự toán học” vừa diễn ra vào giữa tháng 7 này, muốn hỏi thêm anh. Maryam Mirzakhani nhà nữ toán học người Iran, giáo sư của Đại học Stanford, người phụ nữ đầu tiên được nhận giải Fields ở Đại hội Toán học thế giới tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc năm 2014, vừa từ trần ở tuổi 40, để lại nhiều xót thương cho giới toán học quốc tế. Anh đã đi dự đại hội toán học lần đó, có được gặp và nói chuyện với chị ấy?
- Kỳ đại hội ấy đạt con số kỷ lục là có tới 4000 nhà toán học trên khắp thế giới tham dự. Tôi mà xông đến bắt tay cô Mirzakhani thì người ta sẽ cho rằng thấy người sang bắt quàng làm họ. Vì thế chỉ có thể chiêm ngưỡng cô ấy từ xa thôi. Nhưng có một sự trùng hợp tình cờ thú vị là sau đại hội ít lâu, tôi được mời sang quê hương của cô ấy để giảng bài. Đã từ lâu, tôi có mối quan hệ bạn bè với những ông tổ ngành Đại số giao hoán của Iran. Tôi rất khâm phục nỗ lực của họ phát triển toán học gần như từ con số không để ngày nay Iran trở thành một “tiểu cường quốc” về toán học.
Tôi được biết rằng, Hàn Quốc có xuất phát ban đầu rất giống Việt Nam, nhưng ngày nay đã trở thành một cường quốc toán học, được đăng cai tổ chức Đại hội Toán học thế giới. Vậy trong một tương lai gần nước ta có thể vươn lên trong top đầu, để có vinh dự đăng cai Đại hội Toán học thế giới được không?
- Đây là vấn đề có liên quan mật thiết đến việc nâng cao cả về chất lượng và số lượng đội ngũ toán học nước ta trong hiện tại và tương lai. Điều này đòi hỏi nhà nước phải có những chính sách và biện pháp cụ thể nhằm phát triển toán học một cách mạnh mẽ và bền vững. Bên cạnh đó, cũng cần có những “cú hích” như trường hợp của GS.Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng Fields năm 2010, dẫn tới sự ra đời của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà toán học trong nước có điều kiện giao lưu học hỏi với các nền toán học tiên tiến của thế giới. Ta cần lấy các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc là hình mẫu để học tập cái cách họ đã trở thành cường quốc toán học, phát triển toán học chỉ trong vòng 15-20 năm.
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi bổ ích này!