Trước khi chia sẻ, hãy dừng lại suy nghĩ

Việt Quỳnh 02/10/2017 16:26

Trong status thu hút hàng ngàn lượt “like” gần đây, về câu chuyện cậu bé chơi đàn trên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Nhà báo/MC Nguyễn Mỹ Linh đã chia sẻ: “Chúng ta có khát khao được sống trong một xã hội luật pháp nghiêm minh, nhưng thật ra lại rất hay để cảm tính dẫn dắt”, và cảm tính ấy thực sự vẫn điều khiển khi chúng ta ấn nút “chia sẻ” trên mạng xã hội.

Câu chuyện về cậu bé 15 tuổi bị cơ quan chức năng thu đàn, không cho tiếp tục biểu diễn vì không có giấy phép, được phụ huynh của cậu bé chia sẻ, đã tạo ra sự thu hút quan tâm rất lớn bắt đầu từ cộng đồng mạng. Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, và những ý kiến này lại nhận tiếp tục nhiều ngàn lượt chia sẻ… tạo thành làn sóng lan truyền mạnh mẽ, trong đó chứa rất nhiều bình luận ác ý đầy phẫn nộ. Từ khóa “cậu bé 15 tuổi chơi đàn” trở nên nóng nhất trên mạng. Các báo lớn đều “vào cuộc” với sự theo dõi sát sao của bạn đọc. Để sau đó, khi sự việc được đưa ra với bản báo cáo của Tổ công tác kiểm tra các hoạt động trên tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, thì sự thật không phải như vậy.

Mẹ cháu bé - người đã đăng tải thông tin sai lệch trên facebook cá nhân - đã phải viết một status khác công khai xin lỗi: “Do nóng vội và thương con một cách mù quáng, tôi đã đăng tải thông tin xúc phạm lực lượng an ninh các anh về sự việc diễn ra khi mà tôi là người không có mặt ở đó. Điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các anh, làm ảnh hưởng uy tín và danh dự của các anh. Tôi xin được chính thức rút lại lời nói thiếu căn cứ của tôi và xin được xin lỗi các anh. Sau khi đăng tải dòng trạng thái này, tôi sẽ trực tiếp đến gặp các anh để xin lỗi".

Sau những đăng tải trên, câu chuyện về cậu bé 15 tuổi chơi đàn trên phố đi bộ khép lại, nhưng cũng từ đó, mở ra vấn đề cần chia sẻ có ý thức trên mạng.

“Tôi nghĩ chuyện này đã qua rồi, nó khiến chúng ta ai cũng tự rút ra nhận thức cho mình rồi! Tôi chỉ nghĩ, trong cuộc sống đôi khi nên có nút “delay” trong não bộ (cười) chậm lại một tí để nghĩ, trước khi bột phát làm điều gì để sau đó tự mình thấy phiền lòng, thế thôi. Tôi toàn phải cố “delay” nhiều thứ trong đầu...” Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh - đồng thời dẫn chương trình của chương trình “Văn hóa - Sự kiện - Nhân vật” trên VTV3 chia sẻ với Tinh Hoa Việt:

“Tôi nghĩ chuyện này nhỏ hơn nhiều so với những chia sẻ khác dẫn đến giết người, đốt trường học, đốt xe... thậm chí là cả một đám đông thần tượng hoặc bị dẫn dắt đến mức u mê vì theo đuổi một thần tượng sai trái. Bản chất của hiện tượng đám đông a dua xã hội nào cũng có nhưng nếu xã hội càng ít điều xấu thì việc a dua những điều xấu sẽ không có.”

Gần đây, rất nhiều thông tin sai lệch được người dùng mạng xã hội chia sẻ mạnh mẽ. Từ vụ trộm chó, bắt cóc trẻ con, con đánh bố… gây hại khôn lường cho chính người bị “vu oan”. Không ít người là đối tượng bị nói tới một cách tiêu cực trong các status trên, do những người dùng facebook chia sẻ với tốc độ lan truyền nhanh mạnh, đã bị đám đông ngoài đời bắt gặp, đánh đập dẫn tới thương tật. Trong vụ việc báo chí lên án việc xâm hại trẻ em, trên mạng cũng dẫn nguồn tin về thầy Đ. (thầy giáo bị cho là đã xâm hại em bé lớp 1) với ảnh chân dung rõ ràng, tên tuổi nơi công tác.

Sau khi nhận được báo cáo của cơ quan điều tra, thầy Đ. - người trước đó không có liên quan gì đến vụ việc, cũng chẳng hề bị cơ quan điều tra cho vào đối tượng tình nghi - đã chứng minh được sự vô can của mình. Dù đã có lời bênh vực, giải thích rõ ràng từ những người quen biết với thầy Đ. ngoài đời, nhưng những lời nói đó vẫn bị chìm nghỉm giữa nhiều chia sẻ về “đối tượng xâm hại bé lớp 1” không ngừng trên mạng, tạo ra nhiều phẫn uất từ đám đông, gây cho thầy giáo Đ tổn hại lớn đến danh dự, gặp nhiều rắc rối trong đời sống cá nhân.

“Chia sẻ điều này để mang lại cái gì” - đó là điều tôi luôn nghĩ. Tôi chia sẻ để lan truyền câu chuyện đẹp hay phát tán đi những ảnh hưởng xấu? Tôi đang làm những điều tích cực hay tiếp tay cho tiêu cực? Tôi nói điều này ra có giúp gì cho ai không hay làm cho họ hoang mang, phẫn nộ hơn? Tôi muốn tất cả mọi người, trước khi chia sẻ bất kỳ chuyện gì hãy dừng lại, một chút thôi để suy nghĩ. Đừng để “tay nhanh hơn não”, bấm chia sẻ mà chẳng cần biết nó sẽ lợi hay hại cho ai hay cho cả chính mình”. Đó không chỉ là tâm tư của Nhà văn/ MC Phương Huyền, mà là những câu hỏi đặt ra cho mỗi người khi tham gia cộng đồng mạng.

Mỗi người trong chúng ta hãy chia sẻ thông tin một cách có ý thức.

Việt Quỳnh