Nhà văn/ MC Phương Huyền: Nhiều người có thói quen 'tay nhanh hơn não'
Nhà văn/MC Phương Huyền không chỉ nổi tiếng với vai trò MC, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật/ tác giả trên VOH, các event nghệ thuật tại TP HCM, chị còn tham gia rất tích cực các hoạt động từ thiện, đồng thời, trên trang facebook cá nhân, Phương Huyền còn có số lượng lớn người theo dõi. Nhà văn/ MC Phương Huyền chia sẻ về vấn đề chia sẻ các thông tin trên facebook của mình:
1. “Có thể nói tôi là một người hơi bị “keo kiệt” nên khá “dẻ xẻn” dù chỉ là một cái “click chuột” (cười). Vì vậy, tôi khá kĩ khi nhấn nút chia sẻ trên mạng xã hội. Đơn giản mình luôn ý thức khi mình chia sẻ bất cứ điều gì thì những bạn bè trên trang của mình sẽ đọc được và sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới họ.
Ngoài ra, một vấn đề tôi chia sẻ, có thể nói khá thường xuyên, đó chính là câu chuyện của những mảnh đời bất hạnh, những hoạt động thiện nguyện nho nhỏ mà tôi và những người bạn cùng chung tay.
2. “Với những vấn đề có thể tác động đến bất kì ai, tôi thường suy nghĩ rất kĩ. Tôi luôn ý thức bất kì điều mình chia sẻ cũng có thể ảnh hưởng ít nhiều tới một ai đó. Như việc mới sáng sớm ra lướt một vòng facebook, vô tình đọc được những dòng than thở buồn chán gì đó thôi, đôi khi mình cũng có cảm giác khó chịu. Từ đó, tôi luôn ý thức cảm giác ngược lại của bạn bè trên facebook mình để không ảnh hưởng quá nhiều đến họ. Đôi khi không kiềm chế được cảm xúc, tôi cũng viết tâm trạng, hay gay gắt… Nhưng sau đó “hoàn hồn” lại, tôi xóa ngay. Có vẻ hơi thiếu nhất quán nhỉ (cười). Nhưng quan điểm của mình sai thì sửa. Nhận ra không ổn thì bỏ ngay đỡ ảnh hưởng đến người khác.
Hỏi tôi có bị ảnh hưởng bởi những phán xét của người khác không? Nói không thì cũng không đúng. Nhưng mức độ thế nào thôi. Tôi cũng là con người cảm tính, lại bộc trực, dễ búc xúc. Nhưng bên cạnh đó thì tôi tập thói quen bớt quan tâm đến những thứ không liên quan đến mình và người thân. Vì vậy những phán xét nằm ngoài phạm vi đó tôi sẽ bỏ qua. Còn liên quan thì sẽ coi lại để thay đổi nếu điều đó là đúng.
Liệu chúng ta rất cảm tính khi chia sẻ các thông tin trên mạng? Tôi cũng từng viết không chỉ một bài về câu chuyện chia sẻ có ý thức. Khá đông những người chơi mạng xã hội mà không biết rằng đó là con dao hai lưỡi quá sắc bén, có thể làm đứt tay bất kì lúc nào. Gần như mọi người có thói quen “tay nhanh hơn não”. Thấy một bài viết, một hình ảnh, một câu chuyện nào đó gây sốc, bức xúc, thậm chí đáng thương này nọ thì bấm chia sẻ ngay mà không quan tâm thực hư thế nào, ảnh hưởng ra sao. Cộng theo đó hàng trăm, hàng ngàn người khác cùng tham gia “ném đá” khí thế. Chúng ta lúc đó có thể đã vô tình làm một chuyện không đúng và đôi khi trở thành công cụ của một mục đích nào đó.
3. Tôi vừa trở về từ Quảng Bình. Tôi được một người bạn chia sẻ câu chuyện về một người phụ nữ bệnh tật, nghèo khổ một thân một mình nuôi con nhỏ mà không có nhà ở. Đứa bé đã 9 tuổi mà không được đến trường. Nhìn hình ảnh hai mẹ con hết sức thương tâm.
Ngay khi nhận được thông tin này, tôi đã tìm cách liên lạc với người phụ nữ ấy và địa phương. Chúng tôi dự định sẽ kêu gọi khoảng 50 triệu để xây cho mẹ con cô ấy một căn nhà để che mưa tránh nắng. Nhưng khi về đến nơi khảo sát, câu chuyện không hoàn toàn như vậy. Cô ấy bệnh tật là đúng. Nuôi con một mình là đúng. Nhưng con gái cô ấy vẫn đang được đến trường. Và quan trọng là hai vợ chồng đã được xã hỗ trợ xây nhà theo diện 167 (dành cho người nghèo). Cô ấy nói chồng bỏ về Bắc mang theo hai đứa con và kiên quyết khóa cửa nhà không cho hai mẹ con ở. Nếu vào ở sẽ bị đánh. Và cô ấy nhờ người dựng mấy tấm ván, lợp mái lá ở mảnh đất sau nhà để hai mẹ con trú tạm.
Sự thực giữa câu chuyện chia sẻ trên mạng và câu chuyện thực tế có rất nhiều điều khác nhau mà mình không thể nói chi tiết. Chỉ biết là mình đã không kêu gọi như ý định ban đầu và gửi mẹ con cô ấy một khoản tiền nho nhỏ để lo cho con bé vào lớp ba và thuốc thang tạm thời. Thế nhưng trên mạng thì câu chuyện về cô ấy hình như được lan truyền rất nhiều. Nhiều nơi cũng đã gửi tiền hỗ trợ. Nhiều nơi cũng có ý định xây nhà. Có lẽ đây là một phần của câu chuyện cô ấy vẫn muốn sống trong túp lều chứ không chịu vào nhà ở dù tụi mình đã nhờ chính quyền can thiệp. Và nhiều cánh tay “ném đá” theo cách sao lãnh đão địa phương lại vô cảm, để người ta sống khổ, sống sở như thế? Sao không ai quan tâm đến những hoàn cảnh đáng thương như vậy.
Mình rất mừng vì đã không nhanh tay chia sẻ. Mình chỉ chia sẻ một cách dè chừng trước khi đi khảo sát.
Nhưng, đúng như chị nói, có rất nhiều thông tin hình ảnh thiếu chính xác về bắt cóc, về từ thiện… chia sẻ trên mạng và cư dân mạng gần như chỉ có mỗi việc click vào đó và hùa theo cảm xúc. Và nhiều người sau đó mỗi vỡ lẽ mình bị lừa thì câu chuyện nó đã đi quá xa ngoài tầm kiểm soát. Mình nghĩ, việc chia sẻ này thuộc về ý thức. Không gì khác hơn nếu bạn chia sẻ một cách thiếu ý thức thì đương nhiên sẽ mang lại những kết quả không tốt.
4. Để chia sẻ thông tin trên mạng một cách có ý thức, với tôi, chuyện gì cũng cần phải học. Sử dụng mạng xã hội càng cần phải học khi hàng ngày chúng ta tiếp xúc với nó nhiều nhất. Bạn học cách để không nhầm lẫn, để biết sàng lọc thông tin không chỉ để chia sẻ mà cả những vấn đề cần quan tâm. Nếu biết sàng lọc, bạn sẽ không rơi vào những cái bẫy “giật tít, câu view” của những trang báo mạng, của những chuyên gia câu view facebook. Cơ bản nhất vẫn là mình phải có nền tảng về hiểu biết.
Với những người có chút ảnh hưởng, mình nghĩ lại càng phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội. Bởi có những người luôn có lượng fans cuồng. Một câu nói của họ, một cái clik chuột của họ cũng đến với hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn người. Vậy thì chia sẻ điều gì luôn là điều cần phải cân nhắc”.