Tây Ban Nha chia rẽ sâu sắc sau trưng cầu dân ý ở Catalan
Giới chức chính quyền tự trị Catalonia trong hôm 2/10 đã tuyên bố về kết quả trưng cầu dân ý gây tranh cãi, trong đó có tới 90% số cử tri tham gia ủng hộ việc tách khỏi Tây Ban Nha, một viễn cảnh mà chính quyền Madrid vẫn cực lực phản đối.
Một nữ cử tri thể hiện cử chỉ hòa bình trước lực lượng bảo vệ dân sự của Tây Ban Nha trong cuộc trưng cầu gây tranh cãi ở Catalan. (Nguồn: Reuters).
Kết quả sơ bộ
Jordi Turull, người phát ngôn chính quyền khu vực Catalan, trong một cuộc họp báo hôm đầu tuần nói rằng 90% trong tổng số 2,26 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu hôm Chủ nhật tuần trước đã lựa chọn "Có".
Ông nói rằng gần 8% số cử tri phản đối độc lập và phần còn lại để phiếu trắng. Được biết khu vực này có 5,3 triệu cử tri đăng ký đi bỏ phiếu.
Ông Turll cho hay số lượng lá phiếu này không bao gồm những cử tri bị cảnh sát Tây Ban Nha ngăn chặn trong cuộc truy kích khiến hàng trăm người bị thương. Có ít nhất 844 người và 33 sỹ quan cảnh sát được cho là đã bị thương trong cuộc trưng cầu dân ý đầy hỗn loạn.
Lãnh đạo khu vực Catalan, ông Carles Puigdemont, đã lên tiếng phản đối tình trạng bạo lực trong một bài phát biểu: "Trong một ngày có cả hy vọng và sự thống khổ, người dân xứ Catalonia đã nhận được quyền để có một nhà nước độc lập".
"Chính quyền của tôi, trong vài ngày tới sẽ chuyển kết quả trưng cầu tới Nghị viện Catalan, để họ có thể đưa ra hành động tuân thủ với bộ luật liên quan tới trưng cầu dân ý" - ông Puigdemont nói thêm.
Ông Puigdemont đã tiếp tục tiến trình trưng cầu dân ý bất chấp phản ứng cực độ từ chính quyền trung ương Madrid, bên từng tuyên bố rằng cuộc trưng cầu này là phi pháp, và cả phía tòa án cấp cao của khu vực. Ông cũng nói rằng "hành động bạo lực của cảnh sát là một nỗi xấu hổ vĩnh viễn đối với nhà nước Tây Ban Nha".
Cùng lúc, chính phủ Tây Ban Nha đã bảo vệ hành động của họ sau khi hàng trăm người dân đi bỏ phiếu bị thương do lực lượng cảnh sát chống bạo động ập vào các điểm bỏ phiếu để ngăn chặn tiến trình trưng cầu dân ý. Trong khi nhiều cử tri Catalan vẫn cố gắng bỏ phiếu, thì nhiều người khác bị cảnh sát ngăn chặn không được bỏ phiếu.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, phát biểu vào tối hôm Chủ nhật vừa qua, nói rằng chính phủ của ông đã làm điều mà họ cần phải làm và cảm ơn lực lượng cảnh sát vì đã hành động "kiên quyết và bình tĩnh".
"Chúng tôi đã thực hiện điều cần làm. Chúng tôi đã hành động, như tôi đã nói từ lúc bắt đầu, tuân thủ theo luật pháp. Chúng tôi đã chứng tỏ rằng nhà nước dân chủ của chúng ta có đủ nguồn lực để tự vệ khỏi các đòn công kích như cuộc trưng cầu dân ý phi pháp vừa qua" - Thủ tướng Rajoy nói.
Chia rẽ sâu sắc
Trong khi đó, bà Adda Colau, Thị trưởng thành phố Barcelona, đã yêu cầu phía cảnh sát ngừng mọi hành động ngăn chặn và kêu gọi Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy từ chức.
Artur Mas, cựu lãnh đạo xứ Catalan từng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý độc lập tương tự cách đây 3 năm, cũng kêu gọi Thủ tướng Rajoy từ chức, thêm rằng Catalonia không thể tiếp tục sát cánh cùng "một nhà nước sử dụng gậy gộc và sự bạo lực của cảnh sát".
Enric Millo, quan chức chính phủ Tây Ban Nha tại khu vực này, nói rằng lực lượng cảnh sát đã hành động "một cách chuyên nghiệp" trong việc thực thi các lệnh của tòa án.
Bà Soraya Sáenz de Santamaría, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha, cũng lặp lại quan điểm trên, nói rằng cảnh sát đã thể hiện sự kiên quyết, chuyên nghiệp khi đối mặt với "sự vô trách nhiệm" của chính quyền xứ Catalan.
Bà Santamaría cũng kêu gọi ông Puigdemont ngừng chiến dịch vận động độc lập, nói rằng Tây Ban Nha từ lâu đã thoát khỏi bóng tối của chính quyền độc tài từ thời Franco.
"Tôi không biết ông Puigdemont đang sống trong thời kỳ nào, nhưng nền dân chủ Tây Ban Nha không vận hành như vậy" - bà Santamaría nói - "Chúng ta đã được giải phóng khỏi chế độ độc tài từ rất lâu".
Người phát ngôn của chính quyền Catalan, Jordi Turull, cho hay có 319 trên tổng số 2.315 điểm bỏ phiếu đã bị cảnh sát phong tỏa và đóng cửa. Do vấp phải sự phản đối của chính quyền trung ương, số người tham gia bỏ phiếu chỉ đạt trên 42%, tương đương hơn 2 triệu trong tổng số trên 5 triệu cử tri đủ điều kiện.
Hiện chưa rõ liệu kết quả trưng cầu này có khiến Catalan tách khỏi Tây Ban Nha hay không, nhưng ngay từ khi chưa bắt đầu, sự kiện này đã gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Tây Ban Nha.
Có nhiều người ủng hộ cuộc trưng cầu song cũng có không ít người phản đối sự kiện này. Ngay trong ngày bầu cử hôm Chủ nhật vừa qua, những người ủng hộ đã tập trung tại thủ phủ Barcelona, vẫy cờ và hát quốc ca khu vực.
Cùng lúc đó cũng ở khu vực Barcelona và nhiều thành phố khác của Tây Ban Nha, các cuộc biểu tình phản đối cuộc trưng cầu cũng đã diễn ra.
Đụng độ đã xảy ra giữa hai nhóm người ủng hộ và phản đối khiến hơn 800 người bị thương, trong đó có cả cảnh sát. Ít nhất 3 người đã bị bắt giữ sau các vụ đụng độ.