Trưng bày bản gốc bảo vật quốc gia 'Đường Kách mệnh'
Nhân kỷ niệm 90 năm xuất bản ấn phẩm “Đường Kách mệnh” (1927-2017), vào 10h ngày 10/10, lần đầu tiên cuốn “Đường Kách mệnh” được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được đưa ra giới thiệu trong trưng bày đặc biệt “Ánh sáng từ Đường Kách mệnh”.
Cuốn Đường Kách Mệnh.
“Đường Kách mệnh” xuất bản năm 1927 ở Quảng Châu, Trung Quốc dưới dạng in thạch.
Những bản in đầu tiên được bí mật chuyển về nước từ trước năm 1930, cuốn “Đường Kách mệnh” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong số ít những bản gốc in năm 1927 và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt đầu tiên năm 2012.
Cuốn sách là tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 ở Quảng Châu.
Đây là một trong những tác phẩm có giá trị to lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn cách mạng. Tác phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam cuối những năm 1920.
Nhân dịp này, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng sẽ trưng bày đôi lọ lục bình bằng gốm sứ Hoa lam của Trung Quốc.
Đội lọ lục bình này từng được dùng để cất giấu tài liệu của Đảng chuyển từ nước ngoài về Hải Phòng bằng đường biển vào năm 1932.
Đây là một trong những kỷ vật mang đậm dấu ấn gắn liền với những hoạt động cách mạng trong thời kỳ bí mật của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng.
Bên cạnh đó, hơn 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, trưng bày giới thiệu đến công chúng trong dịp này.
Trong đó, có thể kể đến chiếc Đèn tọa đăng của gia đình lãnh tụ Ngô Gia Tự, kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc kỳ đã dùng trong cuộc họp tháng 9/1928 ở Từ Sơn, Bắc Ninh (năm 1927, Ngô Gia Tự tham gia lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc), sau đó được chỉ định vào Tỉnh bộ Bắc Ninh để gây dựng cơ sở ở địa phương).
Hay chiếc đồng hồ của Nguyễn Đức Cảnh dùng trong những năm 1928-1932; chiếc áo gối của nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai làm từ vải áo tù để gửi tặng mẹ trong thời gian bị giam ở Khám Lớn, Sài Gòn, năm 1940 và thẻ dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, năm 1935 của đồng chí Lê Hồng Phong…