Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Vừa rồi, nhân chuyện học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) cúi đầu chào bác bảo vệ mỗi ngày đến trường được chia sẻ và nhận được hàng nghìn lượt thích và chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người nhắc lại chuyện trước đây, học trò luôn được dạy đi thưa về gửi, gặp người lớn phải chào. Với người miền Nam, hành động chào còn được cụ thể hơn là khoanh tay và cúi đầu.
Học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) cúi đầu chào bảo vệ gác cổng trường.
Trong quan niệm của người Việt, “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Lời chào hỏi khi gặp nhau, giữa những người cùng vai phải lứa có khi là lời hỏi thăm về sức khỏe, công việc, cuộc sống...
Người lớn dạy con trẻ trước hết bằng cách chính mình thực hành trước, làm gương để con trẻ học, làm theo dần dần hình thành thói quen này trong cuộc sống.
Cũng có ca khó hơn như câu chuyện của chị bạn tôi kể chuyện con trai trước khi đi học mẫu giáo, cha mẹ dạy thế nào cũng không tạo được cho con thói quen chào hỏi người khác khi gặp.
Lúc thích thì con chào rất to nhưng khi không thích, có cầm roi yêu cầu chào con cũng nhất quyết không nối một tiếng. Khi học lớp nhà trẻ, con cũng là học sinh duy nhất của lớp không thực hành việc chào hỏi dù các cô cũng kiên trì bảo ban rất nhiều.
May mắn, tới khi lên lớp mẫu giáo, gặp được cô giáo có phương pháp sư phạm tốt nên cuối cùng, con đã đi thưa về hỏi, gặp người quen là biết tự giác chào.
Cụ thể, cô giáo của con chị mỗi buổi sáng đón con, bao giờ cũng niềm nở chào con trước tiên, sau đó nếu con chưa chào thì cô vui vẻ, kiên trì hướng dẫn con chào cô và tạm biệt ba mẹ.
Cuối buổi học, khi mẹ đến đón con, cô cũng nhẫn nại đề nghị con khoanh tay, cúi đầu chào mẹ, chào cô. Dĩ nhiên ban đầu con cũng “lờ lờ” lời cô như với tất cả những người khác, cô không hề phật ý, cáu giận mà nhẹ nhàng nhưng kiên quyết yêu cầu con thực hành đúng những gì cô dạy mới được mẹ đón về, nếu không thì cứ... tiếp tục đứng ở cửa lớp như vậy.
Một tuần rồi hai tuần, đến cuối tuần thứ 3 thì con đã tự động chào hỏi cô và cha mẹ trước và sau mỗi buổi học như những bạn khác mà không đợi ai phải nhắc nhở.
Thế mới biết, không có việc gì là không thể nếu có sự kiên trì và phương pháp giáo dục đúng đắn. Nói như các cụ xưa thì “nói phải củ cải cũng nghe”.
Đánh giá một ngôi trường không thể chỉ là kết quả học tập khá giỏi, là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và đỗ đại học hàng năm là bao nhiêu mà còn trông vào thầy cô, học sinh của trường đó ứng xử ra sao.
Biết cúi đầu chào bác bảo vệ - chuyện hết sức tự nhiên, bình thường bỗng trở thành hiện tượng gây xôn xao dư luận, như một hành động “hiếm” trong xã hội đầy những bận rộn, lo toan hiện nay một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề giáo dục đạo đức trong nhà trường nói riêng và cả xã hội nói chung.
Tin rằng sức lan tỏa từ những hành động nhỏ bé này khi được nhân rộng sẽ đem lại nhiều kết quả tốt đẹp khác, trước hết là vấn nạn bạo lực học đường vốn chưa có lời giải triệt để sẽ dần dần được đẩy lùi, ngăn chặn.