Ngăn chặn nạn buôn lậu đường

Quốc Định 03/10/2017 07:55

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện lượng đường tồn kho của các doanh nghiệp trong nước lên đến 748.224 tấn. Năm 2017 là năm có lượng đường tồn kho cao nhất so với cùng kỳ những năm qua. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp cùng như toàn ngành mía đường Việt Nam.

Thu giữ đường nhập lậu.

Ông Phạm Quốc Doanh- chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến lượng đường trong nước tồn kho cao, trong đó phần lớn do tình hình buôn lậu đường và gian lận thương mại.

Buôn lậu và gian lận thương mại đường đã kể từ năm 2010 đến nay, ước năm cao nhất khoảng 500 ngàn tấn. Đường nhập lậu chủ yếu được sản xuất từ Thái Lan, là nước có chính sách hỗ trợ xuất khẩu và sản xuất trong nước nên giá luôn rẻ hơn giá bán đường trong nước của Việt Nam.

Ở phía Nam chủ yếu đường nhập lậu vào Việt Nam qua biên giới tỉnh An Giang, sau đó được mở rộng ra các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Bình Phước.

Phía Bắc chủ yếu qua vùng cửa khẩu Lao Bảo, Cầu Treo. Tại các tỉnh biên giới miền Tây Nam Bộ, như An Giang, có sông biên giới nên đường lậu được chuyển qua Việt Nam bằng ghe sau khi tập kết tại bên kia biên giới thuộc Campuchia.

Vấn đề gian lận nhằm hợp thức hóa đường lậu cũng được các đối tượng thực hiện khá phổ biến. Họ gian lận bằng cách dùng chứng từ mua đường lậu bán đấu giá của cơ quan chức năng địa phương và chứng từ này cũng được quay nhiều vòng.

Do vậy, tại một số địa phương, có nhiều lần giá đấu giá được mua cao hơn giá thị trường, nhằm mục đích để lấy chứng từ là chính.

Phát biểu tại Hội nghị của ngành, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thành Nam cho rằng: Cần phải tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn nạn buôn lậu và gian lận thương mại đối với sản phẩm đường.

“Đây là việc khó khăn nên rất cần có sự quyết tâm, đồng lòng của tất cả các bên nhằm bảo vệ ngành mía đường trong nước, cũng như hạn chế thất thu lượng tiền thuế khổng lồ của Nhà nước”- theo ông Nam.

Đồng thời ông Nam cho rằng để hạn chế tình trạng buôn lậu đường, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, người nông dân cần phải thực hiện mọi biện pháp để giảm chi phí giá thành sản phẩm, lúc đó mức chênh lệch giá đường trong nước với đường nhập lậu không cao thì cũng hạn chế được đường bất hợp pháp chảy vào trong nước.

Quốc Định