Thị trường Trung thu: Đa dạng các sản phẩm thuần Việt

Minh Phương - Thanh Giang 03/10/2017 07:50

Giờ đang là thời gian cao điểm mùa bánh trung thu. Trên khắp các phố phường của Thủ đô Hà Nội, TP HCM đâu đâu cũng thấy sắc màu rực rỡ. Ngoài các thương hiệu bánh nội, năm nay thị trường cũng chứng kiến cuộc “đổ bộ” của các dòng bánh trung thu ngoại nhập.

Cùng với bánh trung thu, thị trường đồ chơi cũng vô cùng rực rỡ, bắt mắt với nhiều sản phẩm thuần Việt, có giá trị giáo dục cao.

Nhiều cửa hàng treo biển giảm giá mạnh bánh trung thu.

Nhiều sản phẩm bắt mắt

Thị trường Trung thu năm nay đón nhận đa dạng các sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo với nhiều hình thức mẫu mã bắt mắt.

Theo chị Nguyễn Minh Thu, có cửa hàng ở phố Đội Cấn (Hà Nội), thị trường bánh trung thu năm nay có quá nhiều chủng loại bánh để người tiêu dùng lựa chọn. Một số loại bánh của Malaysia được trang trí rất đẹp, rất hấp dẫn, giá cả lại phải chăng nên được nhiều người lựa chọn.

Đáng chú ý, năm nay bánh trung thu không chỉ đơn thuần là những chiếc bánh truyền thống như mọi năm, thay vào đó, nhiều loại bánh được đúc các hình thù độc đáo, lạ mắt, ngộ nghĩnh trang trí đẹp được trẻ nhỏ yêu thích như hình ô tô, hình con gấu, mèo máy doremon...

Thị trường trung thu đón nhận nhiều loại bánh độc đáo lạ mắt.

Bên cạnh đó, nguyên liệu làm nhân bánh cũng vô cùng phong phú, không chỉ là đậu xanh, lạp xưởng như trước nữa mà còn các loại trà xanh, sen, nhân teramisu... cho thấy, các DN ngày càng nắm bắt được sở thích, thị hiếu của người tiêu dùng mà đưa ra những dòng sản phẩm hợp lý.

Giá của các loại bánh cũng có sự chênh lệch rõ rệt. Nếu như các loại bánh thông thường có giá từ 200.000 – 400.000 đồng/hộp/4 chiếc thì những loại bánh cao cấp có giá dao động từ 800.000 – 3 triệu đồng/hộp/4 chiếc.

Năm nay, xu hướng bánh trung thu “hand made” vẫn nở rộ. Chị Bùi Thu Thủy ở phố Lê Văn Lương (Hà Nội), mặc dù làm trong ngành ngân hàng nhưng khoảng 3 mùa trung thu trở lại đây, chị đều tự làm bánh trung thu cho gia đình, đồng thời làm thêm để bán cho người thân, bạn bè và những ai có nhu cầu mua bánh “sạch”.

Theo chia sẻ của chị Thủy, tất cả các nguyên liệu như bột làm vỏ bánh, nhân bánh, nguyên liệu sạch, hoàn toàn không có chất phụ gia, bảo quản, chất tạo màu, lại nhiều hương vị khác nhau. Do đó giá bán có cao hơn giá trên thị trường một chút, khoảng 400.000 đồng/hộp 4 bánh cỡ vừa.

Tuy nhiên, khảo sát tại thị trường nguyên liệu bánh, nhiều loại nhân bánh như đậu xanh, hạt sen, mè đen, thập cẩm,…đều đã làm sẵn được bán với giá từ 50 đến 80 nghìn đồng/kg; trứng muối giá 30 nghìn đồng 10 quả; hạt dưa tách vỏ giá 35 nghìn đồng/kg; các loại mỡ đường dao động trong khoảng 20 đến 40 nghìn đồng/kg.

Tất cả đều “sẵn” nên rất tiện lợi cho người tiêu dùng nếu muốn thử sức với bánh trung thu tự làm. Tuy nhiên, những nguyên liệu này có một điểm chung là không có bao bì, xuất xứ. Do đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn luôn là sự lo lắng thường trực trước mỗi mùa trung thu.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc sản xuất, kinh doanh bánh trung thu mang tính thời vụ, cho nên vấn đề bảo đảm ATTP là điều đáng lo ngại.

Bên cạnh các cơ sở bảo đảm quy trình sản xuất an toàn thì vẫn còn một số cơ sở nhỏ lẻ, thủ công đã cố ý sử dụng các loại phẩm mầu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không bảo đảm.

Do đó Cục ATTP khuyến cáo, bên cạnh những sản phẩm đáng tin tưởng từ các DN đã có thương hiệu, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng khi mua các loại bánh cũng như nguyên liệu trên thị trường mà chưa rõ nguồn gốc.

Đồ chơi truyền thống lên ngôi

Với thị trường đồ chơi, mùa trung thu năm nay chứng kiến sự “lên ngôi” của các mặt hàng truyền thống. Khảo sát tại một số tuyến phố như Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Lược (Hà Nội), có đến 80% số lượng lồng đèn, đồ chơi liên quan đến Trung thu đều là đồ chơi “made in Việt Nam” với giá cả hợp lý, đa dạng và phong phú về mẫu mã.

Đồ chơi truyền thống lên ngôi.

Theo phản ánh của ông Lê Văn Đại, ở phố Lương Văn Can, mùa trung thu năm nay, khách hàng đến tìm đồ chơi truyền thống như đèn lồng, mặt nạ, đầu lân, mũ công chúa… cao hơn hẳn so với mọi năm.

Và đa phần, người mua hàng đều hỏi rất rõ xuất xứ, của Việt Nam sản xuất mới mua. Chính vì thế, năm nay lượng đồ chơi Trung Quốc đã giảm thiểu, thế chỗ cho đồ chơi do DN trong nước sản xuất.

Bà Nguyễn Minh Hiền, người dân ở phố Pháo Đài Láng (Hà Nội) cho hay, giá cả các loại đồ chơi truyền thống cũng “vừa túi tiền”, đơn cử như những chiếc trống chơi được lâu, có độ bền cao mà giá chỉ dao động từ 20.000 đồng một chiếc loại nhỏ đến 100.000 đồng loại to.

Hay như đèn lồng, giá cũng chỉ khoảng 10.000 đồng 30.000 đồng/chiếc, rất phù hợp với số đông thu nhập người dân Việt. Hơn thế, mẫu mã cũng bắt mắt nên đồ chơi truyền thống của Việt Nam năm nay được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên các tuyến phố nổi tiếng về các mặt hàng Trung thu như Hàng Mã, Hàng Lược hay Lương Văn Can hiện nay nhiều cửa hàng chuyển hẳn sang kinh doanh đồ chơi truyền thống Việt Nam.

Rầm rộ giảm giá sốc

Mặc dù còn mấy ngày nữa đến rằm tháng 8 nhưng khắp tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh đã treo bảng giảm giá mạnh bánh trung thu.

Thị trường đồ chơi bắt mắt với nhiều sản phẩm thuần Việt.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các tuyến đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), 3 – 2 (quận 10), Nguyễn Trãi (quận 5),… các cửa hàng bán bánh trung thu đồng loạt giảm giá sốc nhằm thu hút người tiêu dùng.

Một số cửa hàng treo bảng giảm giá “Mua 1 tặng 2”, “Mua 1 tặng 3”, thậm chí nhiều cửa hàng “câu khách” bằng bảng giảm giá “Mua 1 tặng 4”, “Mua 1 thành 4”.

Không khuyến mại xô bồ như trên, một số cửa hàng ghi rõ giảm giá 25.000 đồng/cái với bánh 1 trứng, 35.000 đồng/cái với bánh 2 trứng.

Dựa trên tình hình thực tế của thị trường bánh trung thu cho thấy, chưa năm nào bánh trung thu được giảm giá mạnh như năm nay. Một vài năm trước chương trình giảm giá bánh trung thu cũng chỉ dừng lại ở mức “Mua 1 tặng 1”, “Mua 1 tặng 2”.

Tìm hiểu kỹ về chương trình giảm giá bánh trung thu cho thấy, phần lớn các cửa hàng đều treo bảng hiệu bánh của các thương hiệu nổi tiêng như: Kinh Đô, Như Lan, Bibica, tuy nhiên sản phẩm khuyến mãi không thuộc các bánh có thương hiệu trên.

Khách hàng chấp nhận mua theo chương trình khuyến mãi sẽ nhận được những loại bánh không tên tuổi, chất lượng thấp so với bánh khách lựa chọn.

Thắc mắc về cách khuyến mãi trên của khách hàng, chủ cửa hàng bánh trung thu trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) đặt câu hỏi cho khách hàng: “Một hộp bánh trung thu giá bao nhiêu tiền?”.

Vị này lý giải thêm: “Loại thấp nhất (4 cái) cũng ở mức 300.000 đồng/hộp, vậy thì làm gì có chuyện tặng như cách hiểu của khách hàng.

Mua một hộp tặng một cái bánh không thương hiệu đã là khuyến mãi rồi”. Không dừng lại ở hình thức tặng sản phẩm chất lượng kém, một số cửa hàng tự đẩy giá lên cao rồi treo bảng giảm giá.

Với những cửa hàng “Mua 1 tặng 3”, “Mua 1 thành 4” thì giá bánh đã được đẩy lên gấp 2 – 3 lần. Đơn cử, một tháng trước đây, một cái bánh thập cẩm chỉ dao động ở mức từ 75.000 – 80.000 đồng/cái nhưng giá hiện giờ là 150.000 đồng/cái.

Những cửa hàng có khuyến mãi thấp hơn thì bánh cùng loại lại thấp hơn so với cửa hàng “Mua 1 tặng 4” từ 20.000 – 30.000 đồng/cái.

Bức xúc từ chương trình giảm giá bánh trung thu gây sốc tên thị trường, bà Nguyễn Kim Trinh (quận Bình Thạnh) cho rằng: “Cái gì cũng có giá của nó.

Người mua có thể lầm nhưng người bán không lầm. Bất kỳ giá bán nào thì người bán vẫn có lời. Họ bày bán để kiếm lợi nhuận chứ không làm từ thiện.

Khuyến mãi khủng khiến người tiêu dùng phải đặt dấu hỏi lớn và thận trọng”. Chính vì đưa ra chương trình khuyến mãi quá đà, không đúng với thực tế nên nhiều cửa hàng bán bánh trung thu liên tục trong cảnh chợ chiều vì vắng khách.

Minh Phương - Thanh Giang