Để người nghèo tiếp cận dịch vụ tài chính
Trong những năm gần đây, quá trình triển khai tài chính toàn diện đã thu được nhiều kết quả. Người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ tài chính, vì thế khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị cũng phần nào được thu hẹp.
Công nhân lĩnh lương qua thẻ ATM.
Nâng cao hiểu biết về tài chính toàn diện
Việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính tại Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm đói nghèo và xóa dần những khác biệt về thu nhập; tránh những bất công, xung đột xã hội, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội.
Đặc biệt, các dòng vốn chính thức được sử dụng với độ an toàn cao hơn, mở rộng hơn giúp các cá nhân, hộ gia đình - vốn hạn chế hiểu biết về tài chính tránh được những rủi ro không đáng có.
Tuy nhiên theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc thúc đẩy tài chính toàn diện trong khu vực còn những hạn chế nhất định, và còn một khối lượng lớn người dân, đặc biệt là những người nghèo ở vùng sâu, vùng xa chưa thể tiếp cận được dịch vụ tài chính.
Một thống kê mới đây cho thấy chỉ có 21% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ngân hàng.
Theo bà Hồng người nghèo cũng là đối tượng dễ bị tổn thương, còn gặp nhiều rào cản khi tiếp cận dịch vụ tài chính. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở pháp lý chưa đồng bộ, hay cơ sở phát triển hạ tầng tài chính chưa được đồng đều, chưa được đầu tư một cách thích đáng.
Bên cạnh đó, một vấn đề hết sức quan trọng khác là giáo dục tài chính tuy đã được quan tâm nhưng thực sự vẫn còn hạn chế. Vấn đề công nghệ tài chính cũng chưa được phát triển hết tiềm năng.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có nhiều thuận lợi để thúc đẩy tài chính toàn diện trên cơ sở ứng dụng công nghệ số. Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những yếu tố có thể kể đến là tỷ lệ dân số trẻ cao, dễ tiếp cận các trào lưu tiêu dùng mới.
Cùng với đó, tỷ lệ sử dụng internet và mobile tăng trưởng rất nhanh, thúc đẩy sự phát triển hoạt động tài chính trên nền tảng công nghệ số từ phía cung lẫn cầu.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, ứng dụng công nghệ số sẽ là động lực quan trọng tham gia vào giải quyết các vấn đề từ phát triển kênh cung ứng dịch vụ đến sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại.
Thông qua đó, cung cấp thông tin, hiểu biết và kỹ năng tài chính cho người dân nhờ vào những phương tiện số, sử dụng công nghệ số trong việc nâng cao năng lực của cơ quan quản lý giám sát dựa vào việc vận dụng giải pháp công nghệ mới nhất.
Tạo điều kiện cho người dân
Theo ông Christopher Abrams – Giám đốc Văn phòng Môi trường và Xã hội USAID cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy tài chính kỹ thuật số.
Chẳng hạn tại Ấn Độ, người dân có thể nhận tiền nhanh hơn, đầu tư cải thiện thu nhập khi có hệ thống thanh toán kỹ thuật số. Việc này tăng tính minh bạch, giảm tiêu cực… đã góp phần giúp tham nhũng ở Ấn Độ giảm tới 40%.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thời buổi công nghệ số giúp xóa bỏ rào cản về khoảng cách không gian, thời gian và địa lý, từ đó cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại có thể cung cấp những sản phẩm, dịch vụ với chi phí thấp hơn và tạo điều kiện cho nhiều người dân dễ dàng tiếp cận.
Thời gian này các ngân hàng cũng đang tìm cách đưa vốn đến mọi khu vực. Nhiều ngân hàng đã có chiến lược phát triển đồng bộ và song song các kênh giao dịch truyền thống lẫn điện tử. Ông Phan Cử Nhân – đại diện ngân hàng Chính sách xã hội cho rằng các tổ chức tài chính cần nỗ lực để giảm chi phí phục vụ đối với khách hàng.
Do hướng tới đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn nên ngân hàng tập trung nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp với lãi suất thấp hơn thị trường.
Còn tại ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang triển khai các dịch vụ ngân hàng số như BIDV Business Online - dịch vụ giúp doanh nghiệp quản lý tài khoản và thực hiện các giao dịch tài chính thông qua internet mà không phải tới quầy giao dịch.
Theo TS Bùi Tín Nghị, Giám đốc Học viện Ngân hàng, thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hơn nữa, tiếp cận tài chính rộng rãi sẽ giúp các dòng vốn chính thức được sử dụng với độ an toàn cao hơn, giúp các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức hạn chế hiểu biết về tài chính tránh được những rủi ro.
70% dân số sống ở vùng nông thôn với tỷ lệ nghèo còn tương đối cao, các chuyên gia cho rằng vẫn còn khoảng trống cho phát triển tài chính chính thức trong dân cư, đặc biệt tại khu vực nông thôn ở nước ta. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã xây dựng nhiều chương trình hành động nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, tài chính toàn diện. |