Tiết kiệm từng đồng vốn
Phát biểu trước Quốc hội trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá đầu tư công đã có nhiều cải thiện, nhất là trong công tác xây dựng thể chế pháp luật.
Trong đó, Luật Đầu tư công năm 2015 đã giúp tăng cường quản lý chặt chẽ hơn, khắc phục cơ bản được những tồn tại hàng chục năm, như đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, ứng trước vốn kế hoạch nhưng chưa có nguồn hoàn trả…
Nhưng vấn đề khúc mắc hiện nay là nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp và có xu hướng giảm dần trong tổng đầu tư toàn xã hội và trong chi tiêu ngân sách.
Ảnh minh họa (Ảnh: baodautu.vn).
Đó là ý kiến của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng còn ý kiến của giới chuyên gia, của các ĐBQH thì sao? Cũng tại hội trường Quốc hội trong kỳ họp giữa năm, nhiều ĐBQH vẫn không khỏi nghi ngờ đặt vấn đề: Dư luận và cử tri cho rằng cần phải xem xét lại hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Tình trạng phân bổ vốn dàn trải vẫn còn, nhiều dự án bố trí vốn thấp, kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến chậm phát huy hiệu quả đầu tư? (ĐB Phạm Đình Cúc, Bà Rịa-Vũng Tàu).
Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua năm 2014 và có hiệu lực từ 1/5/2015 với kỳ vọng sẽ khắc phục được những mặt tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Sau 2 năm thực hiện luật, việc triển khai đã bộc lộ một số vướng mắc về thủ tục dẫn đến dự án triển khai chậm, chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội? (ĐB Trần Đình Gia, Hà Tĩnh).
Hay như ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thì lại đặt vấn trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong sự dàn trải của đầu tư công.
Thực tế, đúng là cho đến cuối nhiệm kỳ QH khóa XIII, tình trạng xây trụ sở to tại các tỉnh nghèo đã khiến dư luận bức xúc; trong khi nguồn lực cho đầu tư nhất là đầu tư cho an sinh xã hội; đầu tư xây trường lớp ở nhiều địa phương dường như vẫn gặp khó khăn. Những vấn đề mà dư luận và cử tri quan tâm đều là những tồn đọng của nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên, những tồn đọng ấy dường như là quá lớn khiến cho cử tri và nhân dân không khỏi lo lắng. Bởi thất thoát từ đây; tham nhũng lãng phí cũng từ đây mà lợi ích nhóm có lẽ cũng từ đây.
Dù rằng không phải dự án nào cũng chậm tiến độ, cũng khiến nhân dân lo lắng nhưng chỉ với vài dự án thì nguy cơ số tiền thất thoát có thể đã lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Như thế, không lo sao được!
Chỉ lấy riêng ví dụ về đầu tư công dàn trải, ở giai đoạn trước, số lượng dự án của chúng ta đề xuất thường gấp 3 lần số lượng mà đất nước có khả năng cân đối thực tế.
Vì vậy xảy ra tình trạng, giữa số dự án phê duyệt và đề xuất với khả năng cân đối vốn cách nhau khoảng 3 lần, nên việc bố trí vốn dàn trải.
Hiện nay, số dự án trên thực tế đã giảm đi rất nhiều, năm 2013 mỗi năm có khoảng 15.000 - 16.000 dự án, giờ chỉ còn 5.000 dự án, tức là giảm đi khoảng 2/3.
Việc bố trí vốn cũng tập trung hơn, đó là những mặt tích cực ban đầu. Từ việc tập trung đó cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dứt điểm các công trình và đưa vào sử dụng một cách hiệu quả hơn, phát huy được hiệu quả của các dự án này.
Đến hết kế hoạch năm 2015, kiểm toán 30/48 địa phương cho thấy phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới là trên 7 nghìn tỷ đồng. Riêng xây dựng nông thôn mới ở 53 tỉnh, thành phố phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới là 15 nghìn tỷ đồng.
Lý giải về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trước đây, do hệ thống pháp luật quản lý của chúng ta chưa được chặt chẽ nên hiệu quả của quản lý và sử dụng đầu tư công chưa được đảm bảo, từ đó dẫn đến đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, các dự án phê duyệt vượt quá khả năng thu xếp vốn rất lớn.
Vì thế Chính phủ đã soạn thảo và trình QH thông qua Luật Đầu tư công có hiệu lực từ đầu năm 2015 trong đó, đưa ra nhưng quy trình từ chọn lựa đến phê duyệt rồi thẩm định dự án được cho là đã chặt chẽ hơn để kiểm soát các dự án và tránh dàn trải, tránh nợ đọng xây dựng cơ bản cũng như hiệu quả của nó.
Ngay khi mới ra đời, Luật Đầu tư công được kỳ vọng tăng cường được quản lý đầu tư phát triển trong tất cả các khâu từ quy hoạch cho đến kế hoạch, từ chuẩn bị đầu tư, từ xây dựng dự án đến triển khai, giám sát thực hiện, kiểm toán, quyết toán, nghiệm thu công trình. Mặt khác, Luật cũng sẽ tăng tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong bố trí kế hoạch đầu tư.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện 2 năm đã cho thấy những bất cập của Luật cần phải tháo gỡ, chỉnh sửa. Đương nhiên, sửa luật là cần thiết khi ta thấy nó không đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng, luật ra rồi cần có sự đồng lòng từ phía địa phương và các ngành. Thứ đến, các cấp, các ngành phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư công, từ khâu chọn lọc dự án, đến thẩm định, phê duyệt và các thủ tục, trình tự phải thực hiện nghiêm túc, triển khai đồng bộ các quy định này và hoàn thiện về các tiêu chuẩn, định mức về xây dựng.
Tiếp theo là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội. Mọi người đều biết, việc trình dự án Luật Quy hoạch vừa qua cũng cho thấy được công tác quy hoạch có một ảnh hưởng rất lớn đến việc quyết định đầu tư cũng như hiệu quả của đầu tư.
Cuối cùng là, tăng cường công tác kiểm toán, kiểm tra, thanh tra và giám sát đối với tất cả các khâu để đảm bảo các quyết định lựa chọn đầu tư cũng như bố trí vốn phải phù hợp với tình hình thực tế phát triển cũng như với khả năng thu xếp vốn cho từng dự án và phải đủ để hoàn thiện được dự án mà không phải kéo dài và phát huy được hiệu quả của dự án.