Vẫn còn nhiều tranh luận về chuyến bay bí ẩn MH370
Giới chức Australia trong hôm 3/10 đã công bố bản kết luận cuối cùng liên quan tới chuyến bay mất tích bí ẩn MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, nói rằng sự bất lực của họ trong việc tìm ra chiếc máy bay này là "thảm kịch" và là điều "không thể" trong thời kỳ này.
Người ta vẫn không lần ra dấu vết của MH370 sau hơn 3 năm rưỡi tìm kiếm. (Nguồn: AFP).
Không dấu vết
Đã trải qua hơn 3 năm rưỡi kể từ khi chuyến bay mang số hiệu MH370 cùng 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên khoang mất tích bí ẩn khi có lịch trình bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Bất chấp chiến dịch tìm kiếm đắt đỏ nhất trong lịch sử được tổ chức, người ta vẫn không tìm được vị trí chiếc máy bay này.
Trong hôm 3/10, cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp các nỗ lực tìm kiếm, Cơ quan An toàn Giao thông Australia (ATSB), đã công bố báo cáo cuối cùng về MH370. Báo cáo đưa ra nhiều chi tiết về chiến dịch tìm kiếm nhưng chỉ có rất ít chứng cứ liên quan tới địa điểm của MH370. Cuộc tìm kiếm dường như chỉ có thể được mở lại nếu như xuất hiện thêm chứng cứ mới đáng tin cậy.
"Đây là một thảm kịch lớn và chúng tôi hy vọng rằng có thể mang tới thông tin toàn diện cho thân nhân các nạn nhân" - Ủy viên trưởng ATSB, Greg Hood nói - "Tôi hy vọng rằng họ sẽ hiểu là chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để tìm ra câu trả lời".
Chiến dịch tìm kiếm MH370 từng bị hoãn trong tháng 1 vừa qua, sau 1.046 ngày tìm kiếm, dấy lên sự phẫn nộ từ phía gia đình của nhiều nạn nhân. Quyết định được ra sau chiến dịch thất bại khi tìm kiếm dưới mặt nước trên diện tích 2.800 km ở vùng bờ biển phía Tây Australia, tiêu tốn khoảng 160 triệu đôla Australia.
Cuộc tìm kiếm lần đó tuy không tìm thêm được chứng cứ nào liên quan tới MH370, nhưng đã giúp loại bỏ được một khu vực tìm kiếm rộng lớn. Báo cáo của ATSB nói rằng, điều đó cũng đồng nghĩa rằng việc nắm được vị trí của MH370 "tốt hơn bao giờ hết".
"Cuộc tìm kiếm dưới đáy biển đã loại bỏ được một khu vực tìm kiếm rộng lớn, bằng cách tái tạo lại đường bay giả lập của chuyến bay trên cùng các nghiên cứu mảnh vỡ được tìm thấy từ trước đó" - Báo cáo nêu rõ.
Tiếp nối sau chiến dịch tìm kiếm dưới mặt nước, công tác phân tích lại ảnh vệ tinh cũng giúp thu hẹp thêm khu vực tìm kiếm xuống chỉ còn dưới 25.000 km vuông, ATSB cho hay.
Một cơ quan thứ hai của Australia, Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và Khoa học Cộng đồng (CSIRO), cũng đưa ra một báo cáo riêng trong hôm 3/10. Báo cáo này xác nhận rằng các cuộc tìm kiếm trên mặt biển trước đó, được thực hiện ngay say khi MH370 mất tích, tỏ ra hiệu quả.
Bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không
Vị trí của chiếc Boeing 777 mất tích ngày 8/3/2014 đã trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không và không thể được lý giải dù đã có hẳn một nỗ lực tìm kiếm đa quốc gia với sự tham gia của nhiều tàu dân sự, tàu hải quân và máy bau từ nhiều nước bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ và Australia.
MH370 được cho là đã rời khỏi đường bay theo lịch trình và tiếp tục bay trong vòng 7 giờ sau đó, nhưng không hề gửi đi các tín hiệu tự động sau 38 phút bay đầu tiên. Vị trí cuối cùng được ghi nhận của chiếc máy bay này là ở rìa phía bắc của quần đảo Sumatra, Indonesia.
52 ngày đầu tiên tìm kiếm trên mặt biển bao phủ một khu vực rộng tới vài triệu km vuông, trong khi một cuộc tìm kiếm dưới mặt nước đã không thể phát hiện ra bất kỳ tín hiệu nào từ bộ định vị của máy bay.
Gần đây nhất, mảnh vỡ được xác nhận thuộc về MH370 đã được tìm thấy trên bờ biển của một số hòn đảo nằm trên Ấn Độ Dương, và đường bờ biển phía đông của châu Phi, trong năm 2015 và 2016. Các phát hiện này, cùng với việc phân tích lại các bức ảnh vệ tinh, đã giúp các nhà điều tra thu hẹp vùng tìm kiếm MH370.
Một số giả thuyết về sự biến mất bí ẩn của MH370 tập trung vào cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, và cơ phó Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi. Việc MH370 bị tắt các thiết bị liên lạc, đặc biệt là bộ thu phát tín hiệu, khiến giới điều tra cảm thấy hết sức khó hiểu. Bộ thu phát tín hiệu đáng lẽ được sử dụng để gửi các thông điệp được mã hóa cho đội ngũ dưới mặt đất trong trường hợp khẩn cấp.
Một số giả thuyết khác bao gồm kế hoạch phá hoại, lỗi kỹ thuật, giảm áp suất đột ngột trong khoang lái, hoặc các vấn đề tâm thần, vấn dề cá nhân của hành khách trên khoang... Khả năng cướp máy bay vì mục đích chính trị đã bị giới điều tra loại bỏ.
Tuy nhiên, báo cáo của ATSB cho rằng có nhiều lý do để không xác nhận bất kỳ giả thuyết nào, cho đến khi có bằng chứng cụ thể.
"Đây là sự kiện không thể lý giải và không thể chấp nhận được trong kỷ nguyên hàng không hiện đại, với 10 triệu lượt khách lên máy bay mỗi ngày, và đối với một chiếc máy bay thương mại cỡ lớn mất tích bí ẩn" - Báo cáo của ATSB cho hay.