Hà Tĩnh: Không có kinh phí chống dịch sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Tĩnh đang diễn biến phức tạp, song nguồn thuốc dự trữ phục vụ việc phòng chống dịch tại địa phương lại bị cạn kiệt. Lạ hơn nữa, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh không dành kinh phí chi cho công tác y tế dự phòng cũng như việc phòng chống dịch SXH.
Cán bộ y tế Hà Tĩnh kiểm tra bể chứa nước của dân.
Khó kiểm soát dịch
Tại Hà Tĩnh, từ tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm rất thuận lợi cho SXH phát triển, hầu hết các ca bệnh SXH đều do người vãng lai mang từ Hà Nội về Hà Tĩnh nên việc phòng chống dịch ở tỉnh này gặp nhiều khó khăn. Cả hệ thống y tế Hà Tĩnh cũng như người dân đang tập trung cao độ và việc đối phó với dịch SXH.
Ổ dịch ở thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long có nhiều nguy cơ lây nhiễm do ở đây có 310 hộ dân, mật độ dân cư đông đúc, nhà ở san sát nhau, việc đi lại, giao lưu, buôn bán nhiều. Theo điều tra giám sát của ngành y tế dự phòng (YTDP) huyện Thạch Hà, tỷ lệ bọ gậy ở Đông Hà 2 cao vượt ngưỡng cho phép 1,5 lần; cùng với thời tiết như hiện nay tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh SXH sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó hầu hết các hộ gia đình sử dụng nguồn nước máy và dự trữ tại bể chứa. Vì vậy nguy cơ lây truyền dịch bệnh sốt xuất huyết tại thôn và lan rộng sang Đông Hà 1 là rất cao.
BS Nguyễn Lương Tâm- giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Từ ngày 25/9 đến 3/10, tại thôn Đông Hà 2 đã có 14 trường hợp mắc bệnh SXH. Chỉ tính riêng ngày 1/10 vừa qua có tới 3 người bị lây nhiễm căn bệnh này.
Chính quyền địa phương và cán bộ y tế đã tập trung triển khai các biện pháp bao vây và khống chế dịch. Trạm y tế xã Thạch Long đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi ở thôn Đông Hà 2 và thôn Đông Hà 1 đồng thời vào cuộc rất mạnh mẽ trong công tác vệ sinh môi trường.
Còn tại ổ dịch ở phường Kỳ Long, bác sĩ Nguyễn Quốc Trị- giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh cho hay, sau bão số 10, môi trường khu vực này rất phức tạp. Thôn Long Thành (Kỳ Long) thuộc khu vực di dời nên lâu nay bà con không còn chăm lo sửa sang nhà cửa, vườn tược, cộng với ảnh hưởng của bão nên rất bẩn. Nhiều tấm tôn bị gãy ứ đọng nước, nhiều cây cối đổ gãy trong vườn chưa được thu dọn… Trong tổ dân phố có một công ty chứa đến hơn 600 lốp ô tô cũ. Đây là môi trường rất thuận lợi cho muỗi trú ngụ, sinh sản…
Ngoài ra, Kỳ Long gần khu vực Formosa Hà Tĩnh, ở đây có nhiều người từ vùng bùng phát dịch như Hà Nội, thậm chí là mang mầm bệnh từ nước ngoài về nên việc kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi phát hiện ổ dịch, Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh đã hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Các tổ chức từ phường đến tổ dân phố ra quân làm chiến dịch môi trường, vận động người dân bán các phế liệu sau bão, thực hiện ký cam kết với chủ cơ sở lốp ô tô cũ vận chuyển lốp ra khỏi địa bàn. 100% xã, phường trên toàn thị xã đã ra quân triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường.
Kho thuốc dự trữ đã cạn
Từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh đã có 4 ổ dịch SXH tại 4 huyện, thị xã với 183 ca bệnh, trong đó trẻ em mắc SXH chiếm tỉ lệ khá cao. Công tác phòng, chống dịch SXH luôn được ngành y tế Hà Tĩnh chủ động từ trước tới nay với tinh thần phát hiện sớm ca bệnh, bao vây, khống chế và dập tắt. Các ổ dịch đều có nguyên nhân nguồn lây từ các ca bệnh vãng lai. Mặc dù Trung tâm YTDP tỉnh thường xuyên chỉ đạo hệ thống YTDP cơ sở giám sát chặt chẽ các ca bệnh vãng lai, tuy nhiên khó tránh khỏi sự lây lan.
Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Lương Tâm khuyến cáo, từ tháng 9/11 là thời điểm rất thuận lợi cho SXH phát triển, nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH rất cao. Việc phòng chống dịch cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đó vai trò chủ đạo là ý thức của người dân. “Với phương châm không có bọ gậy là không có SXH, người dân trong mỗi gia đình, trong từng mét vuông đất đai phải diệt hết bọ gậy, thu dọn tất cả các điểm có nước đọng, các bể nước sạch phải thả cá để ăn bọ gậy, phòng chống muỗi đốt, phối hợp tích cực với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Để không có dịch SXH thì tự mỗi người dân phải có ý thức và ngành y tế phải giám sát chặt chẽ”- ông Tâm nói.
Cũng theo ông Tâm, khó khăn nhất của Hà Tĩnh lúc này là kho thuốc dự trữ phòng chống SXH đã cạn. “Mỗi khi có dịch chúng tôi phải làm tờ trình, ra Trung ương xin thuốc, tỉnh không hề có đồng nào chi cho công tác dự phòng vì thế mỗi khi có dịch hết sức bị động. Mặc dù rất nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên HĐND tỉnh, đề nghị cấp kinh phí về cho Sở Y tế để ngành chủ động. Kể cả sau bão số 10, tỉnh cũng không có nguồn chi cho công tác phòng chống dịch”- ông Tâm khẳng định.
Ông Hoàng Đức Hạnh- phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịch sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội đang có xu hướng giảm về số ca mắc và số ca nhập viện. Cụ thể, từ ngày 25/9 đến ngày 1/10, Hà Nội có 1.228 trường hợp (giảm 376 trường hợp so với tuần trước). Hiện toàn thành phố chỉ còn 327 ổ dịch đang hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, toàn Hà Nội đã có 31.572 trường hợp mắc SXH trong đó 7 trường hợp tử vong. Hiện còn 1.100 bệnh nhân đang điều trị tại các BV. Thông tin từ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho thấy, số ca mắc SXH nhập viện và điều trị tại BV đã giảm 50%. Tuy nhiên, ông Hạnh cho rằng, dù số ca mắc SXH liên tục giảm trong 7 tuần gần đây nhưng với diễn biến thời tiết hiện nay vẫn là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Vì vậy, Hà Nội và người dân cần phải tiếp tục biện pháp phòng, chống dịch như thời gian qua. N.Toàn |