Đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật
Ngày 3/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm việc với Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trọng Đức).
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, nút thắt lớn nhất hiện nay là công tác xử lý đối tượng bị xử phạt hành chính. Bởi khi có kết luận và kiểm toán đưa ra hướng xử phạt các cán bộ, công chức sai phạm thì theo Luật Cán bộ công chức, đối tượng này lại không bị xử phạt. Nhưng theo Luật KTNN và Hiến pháp thì công chức hay các cơ quan quản lý nhà nước nếu sử dụng tài chính công, tài sản công đều là đối tượng của kiểm toán. Khi xử phạt hành chính rồi mà vấn tiếp tục sai phạm thì sẽ xử lí hình sự. Thế nhưng, thực tế trong quá trình thực hiện đang rất vướng.
“Vừa rồi lĩnh vực thuế là lĩnh vực thất thoát lớn. Qua kiểm tra 100 công ty thì 98 công ty sai thuế. Nhưng để kiểm toán làm việc là khó, bởi các công ty nói là không làm việc với kiểm toán, nên phải đi vòng qua Chi cục thuế. Nhưng gọi lên lại không làm việc với kiểm toán vì họ cho rằng họ không phải là đối tượng làm việc với kiểm toán. Như năm nay Kiểm toán thu lại cho Nhà nước trong 6 tháng đầu năm lên đến 11.000 tỷ đồng, bằng thu ngân sách 2 tỉnh. Điều đó cho thấy thất thoát lớn trong lĩnh vực thuế”- ông Phớc cho biết.
Cũng theo ông Phớc, trong thời gian tới, KTNN sẽ mời các bộ ngành cùng bàn về những lỗ hổng và việc hoàn thiện về mặt cơ chế, luật pháp về thuế, đất đai, BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp, tiền lương biên chế. Đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN 2015 và Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, nhằm tạo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho Kiểm toán nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh những kết quả mà KTNN đã đạt được. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: KTNN là cơ quan được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin, còn đại biểu Quốc hội sử dụng các số liệu của kiểm toán để chất vấn, thảo luận ở hội trường. Thông qua hoạt động nghiệp vụ, KTNN đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Về kiến nghị của KTNN xử phạt những vi phạm hành chính, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo, mỗi lần kiểm toán xong thì có báo cáo, trong báo cáo đó có kiến nghị và sau đó được công khai. Nếu là hình sự thì đưa hình sự, nếu là hành chính thì chuyển sang cơ quan hành chính, nhưng chưa có quy định, đây có phải là khoảng trống của pháp luật hay không? Chủ tịch Quốc hội đề nghị Uỷ ban Pháp luật nghiên cứu lại để đảm bảo tính hợp pháp, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
“Thành tích của KTNN cũng là hạn chế, khuyết điểm vi phạm của các cơ quan, đơn vị khác. Yếu kém, vi phạm này có thể do các cơ quan, đơn vị làm sai, không chấp hành nghiêm quy định pháp luật nhưng cũng có thể do một số cơ chế, chính sách đã lạc hậu, không còn phù hợp. Vì thế, không phải chỉ kết luận đúng sai là xong mà qua kiểm toán, KTNN phải chỉ ra được những lỗ hổng của hệ thống pháp luật, những cơ chế chính sách nào cần sửa đổi, bổ sung và kịp thời kiến nghị với cơ quan chức năng để hoàn thiện hệ thống pháp luật”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.