Áp lực tín dụng cuối năm

T. Hằng 05/10/2017 08:00

Nếu tính theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mới mà Chính phủ giao cho ngành ngân hàng là 21- 22% trong năm 2017 thì đến thời điểm hiện tại, tín dụng chỉ mới tăng được 11,02%. Như vậy, áp lực bơm vốn cho nền kinh tế cuối năm là rất lớn.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng liên tục tăng.

Tín dụng tăng 11,02%

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017 mới công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến thời điểm 20/9/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,59% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 11,76%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,08% (cùng kỳ năm 2016 tăng 12,02%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,02% (cùng kỳ năm trước tăng 10,46%).

Tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng tốt thể hiện xu hướng phát triển tích cực và khả năng hấp thụ vốn tương đối tốt của nền kinh tế. Trước đó ngân hàng HSBC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ còn tăng tiếp trong quý IV/2017 và dễ dàng vượt mức 18,3% của năm 2016.

Nhưng khi con số 11% đối sánh với yêu cầu tăng trưởng tín dụng mới mà Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành ngân hàng đến cuối năm 2017 phải đạt 21% vào hồi cuối tháng 8 vừa qua thì ngân hàng còn gặp nhiều áp lực lớn. Điều này tương ứng với việc, trung bình mỗi tháng trong quý còn lại của năm, tăng trưởng tín dụng phải đạt được 3,5%, chưa kể, tín dụng thường đi liền với nợ xấu.

HSBC nhận định Việt Nam có thể dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% vào cuối năm. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất bất ngờ trong tháng 7 đã thể hiện rõ Chính phủ Việt Nam có kế hoạch đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2017 thông qua kênh tín dụng.

Chi tiêu của Chính phủ đã được giám sát kỹ do nợ công đang gia tăng, gần đạt đến giới hạn do Chính phủ đề ra là 65% GDP. Hơn nữa, một cuộc điều tra của NHNN được thực hiện ngay trước khi cắt giảm lãi suất cho thấy tăng trưởng tín dụng cho năm 2017 dự kiến chỉ đạt 16,3%, thấp hơn so với mục tiêu ban đầu 18% của NHNN. Nhóm chuyên gia của HSBC cho rằng điều này không có nghĩa là tăng trưởng tín dụng bị tụt lại. Thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây.

Dồn toa cuối năm

TS. Bùi Quang Tín cho rằng, tăng tín dụng trung bình mỗi tháng quý IV từ 2-4% (khoảng 3%/tháng) thì riêng quý cuối cùng của năm mức tăng trưởng khoảng 9%. Như vậy, mức tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống đã đạt 11% như vậy có thể hoàn thành được mục tiêu đề ra. Nhiều chuyên gia cũng cho biết, hiện nay ngoài các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản đang có sự ấm lên, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm cũng rất lớn. Hơn nữa, thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, cũng sẽ tập trung ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ cần nguồn vốn lớn từ nay đến cuối năm. Cũng theo thống kê với mức tín dụng được điều chỉnh tăng từ 18% lên 21-22%, tổng mức tín dụng sẽ được “bơm” ra cho cả năm 2017 khoảng 1,155 – 1,21 triệu tỷ đồng. Như vậy tín dụng sẽ phải dồn toa cuối năm

Theo TS Cấn Văn Lực, thông thường vào giai đoạn cuối năm có 3 lĩnh vực hút vốn nhiều nhất. Thứ nhất, là vốn cho vay kinh doanh thương mại, nhu cầu vốn chuẩn bị hàng hóa dịp Tết, dịch vụ ngắn hạn cuối năm. Thứ hai, lĩnh vực cho vay tiêu dùng, mua sắm, sửa chữa nhà cửa, mua ô tô... Thứ ba, giải ngân cho các dự án, công trình. Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng cũng được NHNN đồng ý cho phép nới room tín dụng, ngân hàng thương mại cũng đồng thời tích cực bơm vốn ra nền kinh tế thông qua các gói hỗ trợ lãi suất. Giới chuyên gia cũng khẳng định, tăng trưởng con số bao nhiêu không quan trọng bằng chất lượng tăng trưởng.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng để nâng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, điều kiện quan trọng là phải giảm được lãi suất. Theo NHNN, tín dụng vẫn chảy vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng.

Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cũng cho biết thời gian tới ngành ngân hàng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng.

T. Hằng