Lao động phi chính thức: Yếu thế và dễ tổn thương
Ngày 4/10 tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Viện Khoa học lao động xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế ( ILO) đã công bố Báo cáo về lao động phi chính thức. Có tới gần 2/3 tổng số lao động làm việc ở khu vực phi chính nhưng hầu hết họ không được pháp luật bảo vệ và phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi trên cả ba phương diện: Chất lượng lao động, phân bố việc làm và thời gian làm việc.
Lao động phi chính thức đối diện với nhiều rủi ro và tổn thương.
Lương thấp, bấp bênh
Theo báo cáo, quy mô của lao động phi chính thức khá lớn với trên 18 triệu người và chiếm 57,2% tổng số lao động phi nông nghiệp. Trong 21 nhóm ngành kinh tế, lao động phi chính thức tập trung chủ yếu ở 3 nhóm ngành chính: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy (26,2%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (23,5%); xây dựng 19,1%
Báo cáo về xác định lao động phi chính thức tại Việt Nam cũng cho thấy, hơn 90% lao động phi chính thức là lao động không có chuyên môn, kỹ thuật. Bà Nguyễn Thị Xuân Mai – Vụ Thống kê dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Ở Việt Nam, lao động phi chính thức được xác định dựa trên việc làm không chính thức. Theo đó lao động phi chính thức là lao động tự tạo công việc không có hợp đồng lao động, không được đóng BHXH, BHYT, hay hưởng lương cố định.
“Lao động phi chính thức được ký hợp đồng lao động chiếm tỷ lệ rất thấp. Tỷ lệ được ký hợp đồng trên 3 tháng trở lên chỉ có khoảng 21,2%. Có 76,7% lao động phi chính thức làm việc mà không có bất cứ một hợp đồng lao động bằng văn bản liên quan đến công việc đang làm. Cụ thể, 62,1% lao động phi chính thức chỉ thỏa thuận miệng với chủ lao động và 14,6% không có bất cứ một thỏa thuận nào. Như vậy, lực lượng lao động phi chính thức này về mặt an sinh xã hội cũng như tham gia cộng đồng bị thiệt thòi nhiều. Ngoài ra phần thu nhập của họ cũng thấp hơn nhiều so với lao động chính thức, bình quân hàng tháng chỉ bằng hơn một nửa của lao động chính thức” – bà Nguyễn Thị Xuân Mai cho biết.
Về tiền lương bình quân, theo báo cáo tiền lương bình quân/tháng của lao động phi chính thức thấp hơn lao động chính thức ở tất cả các vị thế việc làm. Cụ thể tiền lương bình quân của lao động chính thức ở vào khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, còn tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ có 4,4 triệu đồng/tháng bằng 2/3 tiền lương của lao động phi chính thức.
“Mặc dù làm việc với khoảng thời gian dài hơn ( nhiều hơn 2 giờ) nhưng tiền lương nhận được của lao động phi chính thức làm công ăn lương chỉ bằng 2/3 so với lao động chính thức làm công ăn lương. Điều này cho thấy sự bất bình đẳng trong việc trả lương giữa hai nhóm lao động và một phần phản ánh về chất lượng công việc của lao động phi chính thức” – ông Đào Quang Vinh- Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết.
Tăng cường chính sách bảo vệ
Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê trong năm 2016 cho thấy, có tới gần 60% lao động làm việc ở khu vực phi chính thức. Trong đó, chủ yếu là lao động làm nông – lâm – ngư nghiệp (chiếm tới hơn 41%), sau đó là lao động làm trong các ngành dịch vụ vừa và nhỏ như du lịch, bán hàng, công nghiệp….
Để khắc phục sự yếu thế và giảm tính dễ bị tổn thương đối với lao động phi chính thức, tại hội thảo nhiều đại biểu cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể nhằm bảo vệ cho lao động phi chính thức.
Có thể thấy, mặc dù thực tế đã chứng minh tầm quan trọng của lao động phi chính thức đối với nền kinh tế, nhưng lao động phi chính thức vẫn bị bỏ quên trong nhiều chính sách công, ít nhận được sự bảo vệ của công đoàn và pháp luật. Các hoạt động tương trợ về xã hội, trợ giúp về pháp lý cũng chưa tiếp cận sát với nhiều người trong nhóm đối tượng này.
“Phần lớn lao động phi chính thức chưa biết cách khai thác sự hỗ trợ của các chính sách công, các tổ chức tư vấn và hệ thống chính trị mà vẫn thụ động, tự bảo vệ mình một cách kém hiệu quả. Với những đóng góp của lao động phi chính thức đối với xã hội và nền kinh tế hiện nay, việc thừa nhận vị trí, vai trò xã hội và tạo điều kiện cho họ thụ hưởng các dịch vụ công ích là điều không thể phủ nhận” – ông Nguyễn Bích Lâm Tổng cục trưởng – Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, ông Đào Quang Vinh cho rằng: muốn thúc đẩy chuyển dịch lao động phi chính thức thì cần tăng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp, nhằm tái cơ cấu ngành kinh tế. Trọng tâm là đào tạo nghề để nâng cao chất lượng lao động cho lao động nông thôn, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Bên cạnh đó, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để rút bớt lao động phi chính thức trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cuộc điều tra lao động việc làm là cuộc điều tra mẫu do Tổng cục thống kê tiến hành điều tra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô mẫu khoảng 20 nghìn hộ/tháng và tương ứng cả năm khoảng 240 nghìn hộ. Cuộc điều tra này bắt đầu thực hiện từ năm 2007, tuy nhiên các thông tin về lao động có việc làm phi chính thức mới được đưa vào bảng hỏi điều tra từ năm 2014. Đây là lần đầu tiên Tổng cục thống kê xuất bản chuyên sâu về lao động việc làm phi chính thức ở Việt Nam. |