Tinh gọn bộ máy
Hôm qua, 4/10, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị sẽ bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó nội dung tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn- được toàn xã hội quan tâm và kỳ vọng. Bởi đây là thời điểm chín muồi, nhiệm vụ mới của giai đoạn mới đòi hỏi phải có một bộ máy tinh gọn, đủ mạnh đưa đất nước đi lên.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6, về vấn đề tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Thời gian qua hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém, gây bức xúc xã hội và không ít những khó khăn, thách thức phải vượt qua, nhất là trong việc tổ chức lại và đổi mới cơ chế, chính sách nhằm phát huy tốt hơn trí tuệ và sự cống hiến của đông đảo đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học và lao động kỹ thuật chất lượng cao trong lĩnh vực này, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân; đồng thời góp phần giải quyết vấn đề tổ chức, biên chế, cải cách chế độ tiền lương của toàn hệ thống chính trị.
“Vì vậy, việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, nhân văn hết sức sâu sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta” - Tổng Bí thư nhấn mạnh và chỉ rõ trong quá trình đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như đổi mới doanh nghiệp nhà nước, cần tiến hành đồng bộ, quyết liệt nhưng thận trọng, vững chắc và đặt trong tổng thể tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; gắn với bảo đảm ổn định chính trị, xã hội nói chung và từng ngành, lĩnh vực cụ thể nói riêng.
Vấn đề cồng kềnh của bộ máy đã được nói nhiều lúc, nhiều nơi, tại nhiều diễn đàn, hội thảo, hội nghị và cũng đã có những quy định về việc tinh giản bộ máy. Tuy nhiên, tới nay sự cồng kềnh của bộ máy vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự cồng kềnh của bộ máy chính là do nhiều cơ quan, đơn vị, đầu mối trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Một việc lẽ ra một nơi làm, một nơi chịu trách nhiệm những lại có nhiều cơ quan cùng tham gia, dẫn đến việc biên chế phình to, trong khi hiệu quả vận hành lại không được như kỳ vọng. Bởi lẽ, tính trách nhiệm xem ra được “chia” cho nhiều đầu mối, thành tích thì nhiều nơi nhận nhưng khi phải chịu trách nhiệm thì nơi này lại “nhìn” nơi kia. Vì vậy, cùng với việc phình ra của bộ máy thì hiệu quả công việc cũng không cao.
Cho đến nay, chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước, cả nước có khoảng 58 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế. Việc sắp xếp, tổ chức lại, tinh gọn bộ máy là điều không thể không làm. Vấn đề là phải làm một cách chắc chắn, cụ thể, hiệu quả, đồng bộ, quyết liệt nhưng thận trọng, vững chắc. Sắp xếp, tinh giản là để bộ máy gọn nhẹ, năng động, hiệu quả chứ không phải là một phép tính cơ học cắt giảm; tinh giản nhưng không được làm cho bộ máy yếu đi mà phải mạnh lên.
Thực tế cho thấy, việc tinh giản, làm gọn nhẹ bộ máy không đơn giản. Có trường hợp lợi dụng chủ trương tinh giản, sắp xếp để loại bỏ những người được cho là không cùng cánh, những “đối tượng cứng đầu”, không cần biết họ là người làm việc tốt. Điều đó chỉ làm cho bộ máy yếu hơn và đặc biệt là sẽ dẫn đến việc chạy chọt, lợi ích nhóm- những tiêu cực cần phải loại bỏ trong công tác tổ chức cán bộ.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6, một vấn đề đượcTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý là việc tổ chức lại và đổi mới cơ chế, chính sách là nhằm phát huy tốt hơn trí tuệ và sự cống hiến của đông đảo đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học và lao động kỹ thuật chất lượng cao; nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Bản chất của vấn đề ở đây chính là chất lượng của đội ngũ, bộ máy bao gồm những người tinh thông nghề nghiệp, nhiệt tâm cống hiến. Chỉ có như vậy thì hiệu quả công việc mới được nâng lên. Họ phải có vị trí xứng đáng trong đơn vị, phải được tin cậy giao trách nhiệm và đánh giá đúng.
Tới nay, trong rất nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội, rõ ràng là số lượng đã không tạo ra được hiệu quả nếu chất lượng thấp. Đông người trong một tổ chức không còn là chuyện “thêm tay thêm chân”, “choàng gánh”, “san sẻ”... mà phải là đội ngũ gọn, tinh thông, tâm huyết. Tinh giản, làm gọn bộ máy nhưng phải giữ lại được những con người như vậy thì mục đích của chủ trương tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức mới đạt yêu cầu.
Thời gian qua, xã hội rất bức xúc trước việc nơi này nơi kia có những biểu hiện bất thường, tiêu cực trong công tác cán bộ, sắp xếp bộ máy. Tình trạng “vị thân”, “một người làm quan cả họ được nhờ” tưởng đã mất đi cùng sự suy tàn của chế độ phong kiến, nhưng đáng tiếc tới nay vẫn còn rơi rớt và ngóc đầu dậy. Như vậy thì làm sao còn chỗ cho người có năng lực, tâm huyết nhưng không phải là “dây mơ rễ má”.
Lại có nơi cả sở hầu hết đều là cán bộ lãnh đạo (từ cấp phòng trở lên), người làm chuyên môn cụ thể chỉ là thiểu số của thiểu số. Đáng tiếc, những tồn tại đó đã kéo dài nhiều năm mà không bị xử lý, hoặc xử lý không rốt ráo khiến dư luận bức xúc, nội bộ thiếu gắn kết, không động viên được người làm việc tốt và cũng không đủ người có năng lực làm việc trong khi bộ máy rất cồng kềnh. Không làm vẫn hưởng lương, tệ hơn là lại lợi dụng sự thân thích và vị trí công tác để gây bè kéo cánh, hại người ngay, che chắn kẻ gian; bắt tay nhau thanh trừng người không ăn cánh, nấp dưới danh nghĩa tập thể để loại bỏ người tốt.
Lần này, về việc tinh giản, sắp xếp bộ máy sẽ tiến hành quyết liệt, với cách làm đồng bộ, thận trọng, vững chắc- như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều đó làm cho kỳ vọng của xã hội lại được nhen lên. Trong quá trình sắp xếp, tinh giản nhân sự, để tránh những tiêu cực, những điều đáng tiếc thì việc dân chủ, công khai và nhất là phải có sự giám sát của các đoàn thể, tổ chức, của tập thể người lao động. Được như vậy mới có được bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả- đáp ứng được nhiệm vụ nặng nề trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.