Lặng thầm blouse trắng

Vi Cầm 05/10/2017 08:28

Những hình ảnh xúc động tại lễ chia tay GS.TS Nguyễn Anh Trí- Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương về nghỉ hưu được nhiều người chú ý. Hiếm có một cuộc chia tay nào mà từ bệnh nhân đang điều trị, những cộng sự thân thiết, rồi đến cả những anh chị em bảo vệ đều rơm rớm nước mắt, quyến luyến vị “thuyền trưởng” khi nghe tin ông chính thức nghỉ hưu. Đương khi những vấn đề “nóng” liên quan đến y đức, đến mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân… khiến cái nhìn về những người mặc áo blouse trắng l

Đồng nghiệp xúc động khi chia tay GS Nguyễn Anh Trí. Ảnh: BVCC.

Với GS Nguyễn Anh Trí, việc phải chia tay một tổ ấm đã gắn bó nhiều năm qua cũng khiến ông thực sự bùi ngùi, xúc động. Điều đáng nói là trong khoảng 10 năm làm Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, GS Trí và các cộng sự đã làm thay đổi bệnh viện bằng nhiều cải cách hiếm có bệnh viện làm được. Đó là nâng số giường bệnh lên gấp 3 lần; Đưa rất nhiều kỹ thuật mới vào điều trị ung thư máu; Thay đổi cách vận động hiến máu với hàng loạt chương trình như Lễ hội xuân hồng, Hành trình đỏ, nâng số người hiến máu tình nguyện lên cao...

Nhiều gia đình có con nhỏ bị các bệnh hiểm nghèo về máu, nhiều người dân đang hàng ngày chữa trị tại đây hẳn sẽ không thể nào quên những hi vọng sống mà các bác sĩ tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã nhen nhóm và làm hết sức mình vì người bệnh.

Không chỉ là người khởi xướng các phong trào hiến máu, GS Trí cũng đã có 20 lần hiến máu tình nguyện. Và trước khi đến tuổi nghỉ hưu, ông cũng đã kịp hiến máu thêm một lần, lần thứ 21. Ông bảo, nếu quy định không thay đổi (người hơn 60 tuổi không được hiến máu) thì đây thực sự là lần cuối cùng trong đời ông được tham gia hiến máu…

Bên cạnh vai trò là một giáo sư đầu ngành, ông còn là một Đại biểu Quốc hội tự ứng cử và trúng cử (năm 2016). GS Trí cho biết, nghỉ hưu nhưng ông vẫn chưa dừng lại vì “tuổi hưu”, ông sẽ tiếp tục cống hiến sức khỏe, trí tuệ cho chuyên ngành truyền máu, nơi ông đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ nhân dân, người bệnh. Ông cũng rất vui bởi có lớp học trò kế cận, đều là những bác sĩ, là những nhân viên y tế nhiệt huyết, ưu tú.

Hơn thế, ông cũng luôn tự hào về nề nếp của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Bởi nhiều năm qua Viện đã xây dựng được một nét văn hóa rất đặc trưng, từ lời ăn tiếng nói, mặc quần áo, đi thang máy, sử dụng những trang thiết bị; đối xử với người bệnh, trong quan hệ tình đồng chí, đồng nghiệp… Khi làm tất cả những việc này, GS Trí cho biết, ông không cố gắng để trở thành thần tượng mà ông luôn cố gắng đạt được mục tiêu để bản thân có thể làm việc và cống hiến.

Những đóng góp của GS Trí cùng với những cộng sự của ông cho ngành huyết học- truyền máu lâu nay- thực chất là những cống hiến thầm lặng. Nhân bàn tới câu chuyện y đức, không thể phủ nhận, ở đâu đó vẫn còn có những lời phàn nàn về thái độ phục vụ, về sự “sách nhiễu” của một số y bác sĩ đối với người bệnh, người nhà bệnh nhân.

Thế nhưng, so với những thầy thuốc đang ngày đêm tận tụy, hy sinh, âm thầm cống hiến trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, mang lại niềm tin và sự sống cho người bệnh thì những hiện tượng nói trên chỉ là mặt trái của ngành y.

Với các y, bác sĩ, mỗi lần đối mặt với một ca bệnh là một thử thách. Có những lúc, tình huống cấp bách, tính mạng bệnh nhân “ngàn cân treo sợi tóc”, buộc phải xử trí ngay tại chỗ với điều kiện thiết bị, môi trường chữa bệnh cực kỳ hạn chế, các y, bác sĩ không chỉ cần trình độ chuyên môn cao mà cái tâm của người thầy thuốc chính là động lực lớn nhất giúp họ chinh phục khó khăn.

Đó là chưa kể tới đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm thầm lặng phục vụ tại các cơ sở chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc HIV/AIDS - căn bệnh thế kỷ với nguy cơ phơi nhiễm cao; hoặc trong những trung tâm điều trị bệnh nhân tâm thần, đội ngũ y bác sĩ lúc nào cũng bận rộn như con mọn, chăm bệnh nhân từ những việc nhỏ nhặt như ăn uống, vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, thay quần áo… Trong khi đa phần người bệnh tâm thần có tâm trạng bất thường, dễ xúc động, nóng nảy, chỉ cần một cơn xung chấn nhẹ là trở nên manh động.

Rồi gần đây những vụ viêc hành hung y bác sĩ tại một số bệnh viện đã khiến dư luận phẫn nộ. Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, dù có thể coi đó là tai nạn nghề nghiệp, nhưng rõ ràng hành hung bác sĩ là một hành động cần phải lên án.

Bởi lâu nay người ta đang chú ý nhiều hơn tới mặt trái của ngành y, mà đôi lúc quên đi những hi sinh âm thầm lặng lẽ của những chiến sĩ áo trắng. Những tấm gương người tốt việc tốt, những tấm gương điển hình của ngành y cần được tuyên truyền nhiều hơn, để nhân lên những nghĩa cử cao đẹp.

Trước những vấn nạn của ngành y tế khiến người dân bức xúc bấy lâu, thì những giọt nước mắt quyến luyến, những cái ôm thật chặt của đồng nghiệp, của bệnh nhân… trong sự kiện chia tay một viện trưởng, một bác sĩ giỏi về hưu đã truyền thêm cảm hứng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, để cộng đồng tin rằng y đức vẫn luôn được thắp sáng, được lan tỏa, tiếp sức cho người bệnh thêm hi vọng và nghị lực chống chọi, vượt qua bệnh tật.

Vi Cầm