Lùi thời gian triển khai Chương trình phổ thông mới: Cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vào chiều ngày 3/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc lùi thời gian một năm cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Tới đây, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội vì việc giãn tiến độ hay thực hiện theo tiến độ đã xác định tại Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sẽ do Quốc hội quyết định.
Ảnh mianh họa.
Lộ trình triển khai mới
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có công văn báo cáo Chính phủ, đề xuất việc giãn tiến độ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới thay vì từ năm học 2018-2019 sẽ bắt đầu từ năm học 2019-2020. Đồng thời, lộ trình áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới cho các cấp học cũng được Bộ kiến nghị điều chỉnh.
Cụ thể, thay vì triển khai cho cả 3 cấp (lớp 1, 6, 10) ngay năm đầu tiên, năm học 2019-2020 chỉ học sinh lớp 1 học chương trình mới. Năm thứ hai sẽ thêm lớp 2 và lớp 6; năm thứ ba là lớp 3,7, 10; cuối cùng là ba lớp cuối cấp 5, 9, 12.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, đây là kết quả tiếp thu góp ý của nhiều tổ chức, cá nhân kể từ khi công bố Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đầu tháng 4-2017. Cụ thể, việc giãn tiến độ triển khai trước hết là để các chương trình môn học được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, tham vấn được nhiều ý kiến hơn và được thực nghiệm kỹ hơn.
Việc đề xuất điều chỉnh như vậy cũng là để các địa phương có thời gian chuẩn bị điều kiện thực hiện chương trình (tập huấn giáo viên, bổ sung giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất) tốt hơn. Việc không triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở cả ba cấp học ngay một lúc mà mỗi năm triển khai thêm ở một cấp học là để tạo điều kiện chuẩn bị triển khai ở các lớp THCS, THPT chu đáo hơn. Hiện cơ sở vật chất ở nước ta không thể cùng lúc cải thiện hết được mà phải làm dần dần.
Cho rằng lộ trình áp dụng từ từ từng cấp học hợp lý hơn so với việc áp dụng đồng thời, GS Thuyết nhấn mạnh việc giãn tiến độ cũng tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân có thể tham gia làm sách giáo khoa, đảm bảo việc cạnh tranh công bằng giữa các bộ sách.
Cụ thể, nếu triển khai sớm thì có thể ít cá nhân, tổ chức tham gia viết sách do thiếu kinh nghiệm làm sách phổ thông. Cần thời gian để các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa được tập huấn về chương trình và về cách thức biên soạn sách giáo khoa.
Về tiến độ thực hiện chương trình, GS Thuyết cho biết trong tháng 8 vừa qua, Ban soạn thảo đã tổ chức lần lượt 18 hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia về chương trình từng môn học. Hiện, Ban soạn thảo đã có dự thảo lần thứ hai chương trình của các môn học. Các dự thảo này sẽ được chuyên gia và giáo viên các cấp góp ý lần nữa.
Sau đó, sẽ trình Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT và nếu được đồng ý, sẽ đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến nhân dân. Sau khi chốt chương trình môn học, chương trình sách giáo khoa sẽ bắt đầu làm.
Lùi 1 năm đã đủ chuẩn bị kỹ càng?
Ủng hộ đề xuất của Bộ GD&ĐT, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, mặc dù Nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ về phương thức thực hiện, thời điểm triển khai, tuy nhiên đây là một công việc rất quan trọng, liên quan đến cả bậc học phổ thông, cả xã hội nên nguyên tắc là phải đảm bảo chất lượng, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết từ việc hoàn thành chương trình bộ môn, biên soạn sách giáo khoa, chuẩn bị cơ sở vật chất, tập huấn đội ngũ giáo viên, đồ dùng dạy học... để khi triển khai thì phải đảm bảo thành công.
Do vậy, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cơ bản đồng tình với đề xuất của Bộ rằng nếu chưa chuẩn bị tốt thì báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Quốc hội đề xuất lùi thời gian triển khai.
“Ủy ban cũng đề nghị Bộ làm rõ cơ sở của việc lùi 1 năm và thay đổi phương thức triển khai chỉ thực hiện với lớp 1 từ năm học đầu tiên thay vì cả 3 lớp đầu cấp ở một số nội dung như: Hiện tại chúng ta đã chuẩn bị được những gì? Những công việc gì cần phải làm trong thời gian tới? Cần bao nhiêu thời gian để hoàn thành các công việc đó? Thời gian lùi như vậy đã đảm bảo cho sự chuẩn bị kỹ lưỡng chưa?...” – ông Thắng nhấn mạnh.
Đối với đội ngũ giáo viên, ông Thắng cho rằng các trường sư phạm, đặc biệt là 8 đại học sư phạm trọng điểm cần chủ động định hướng xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Trong đó, phải thay đổi phương thức, chương trình đào tạo theo hướng đào tạo tích hợp chứ không đơn thuần là dạy ghép do chương trình giáo dục phổ thông mới xuất hiện thêm các môn học mới là môn tích hợp.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng bày tỏ đồng tình với phương án của Bộ GD&ĐT về việc xin giãn thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới để có thêm thời gian chuẩn bị. Bởi làm giáo dục là phải tính đến chất lượng chứ không phải chạy theo số lượng, chạy theo thời gian. Việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cần được tiến hành sớm, không để khi có chương trình, sách giáo khoa mới rồi mới thay đổi, điều chỉnh thì không kịp.