Đời sống loài ong
Từ một hóa thạch được phát hiện tại miền Tây nước Mỹ, các nhà khoa học cho rằng trước đây 80 triệu năm loài ong đã mặt trên trái đất. Như vậy, chúng có thể được coi là loại côn trùng cổ xưa nhất vẫn “sống khỏe” cho tới ngày nay, bất chấp những biến động dữ dội.
Cần cù hút mật.
1.Người ta cho rằng, ong là loại côn trùng có nguồn gốc tại phía Đông bán cầu, tại vùng cận nhiệt đới phía bắc Ấn Độ. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải thiết vì thực sự thì ong có mặt ở tất cả các châu lục, kể cả những nơi khắc nghiệt nhất, không loại trừ cả Bắc Cực lẫn Nam Cực.
Thường thì người ta thấy ong sống theo từng đàn lớn, nhưng thực tế mặc dù có gần 20.000 loại nhưng chúng được chia thành hai nhóm chính gồm ong sống theo đàn và ong sống độc lập. Nhưng cả hai loại đều xây tổ chung. Với ong sống độc lập, tổ của chúng không quá 10 con. Còn với ong sống theo đàn, trung bình tới 80.000 con/đàn. Trong số các loài ong thì ong mật có đời sống tập đoàn nhất.
Đời sống của loài ong cũng rất kì lạ, đôi khi là bất ngờ, hay có thể nói là bất thường. Nhiều loài ong ăn cả đồng loại. Chúng có thể ăn thịt ong non ngay trong tổ và các ấu trùng khi thiếu thức ăn. Có đời sống tập đoàn cao, nhưng thật ngạc nhiên là chúng có cách hành xử gì đó rất riêng, đó là việc một vài con ong có thể bị đuổi ra khỏi đàn nếu... phạm lỗi. Khi nạn đói đến, chúng có thể đuổi những con ốm yếu và những con ong đực dư thừa ra khỏi đàn. Người ta nhận ra rằng, với khứu giác tuyệt vời, chúng có thể biết được con ong nào bị bệnh, rồi đẩy ra khỏi tổ. Nhưng ở khía cạnh nào đó, chúng cũng rất “ân tình”: đó là trong trường hợp các con ong trong đàn chết, ong thợ sẽ thu gom xác và làm các công việc chôn cất sau đó mang xác ra khỏi tổ.
Không chỉ khứu giác, các giác quan khác của loài ong cũng phát triển rất mạnh, đến độ tinh tế. Đặc biệt là khả năng phát hiện mùi hương của hoa: chúng có thể nhận biết những bông hoa cách đó hàng vài cây số thông qua mùi hương.
Nhưng, cho dù nhiều giác quan rất phát triển, nhưng ong lại không nhận biết được màu đỏ. Nhiều thí nghiệm cho thấy, chúng nhìn màu đỏ thành màu đen. Cho nên, những loài hoa có màu đỏ thường ít thu hút chúng, trừ khi có mùi hương đặc biệt.
Người ta cũng biết rằng, sau khi giao phối, ong đực có thể mất chức năng giới tính và chết. Với ong mật, bộ phận giới tính của nó sẽ di chuyển vào cơ thể ong chúa sau khi giao phối. Vì thế, sau đó ong đực sẽ chết một cách nhanh chóng. Trong trường hợp khác ít tệ hơn thì chúng cũng bị những kẻ vốn là “chiến hữu” hùa nhau đẩy ra khỏi tổ.
Một người đàn ông lấy mật ong rừng.
2. Ong mật là loại ong thân thuộc, rất có ích cho con người.
Phần bụng của loài ong này rất đặc biệt với một dạ dày phình lớn dùng để chứa mật hoa. Toàn thân ong mật có rất nhiều lông để phấn hoa có thể bám vào cơ thể chúng nhiều hơn.
Ong mật sống theo bầy đàn, như thể một xã hội mà trật tự được phân công rất rõ ràng, tổ chức vô cùng nghiêm mật. Sức mạnh của chúng chính là sự đoàn kết. Một tổ ong mật luôn có 3 loại được phân công việc khác nhau, đó là ong chúa, ong thợ và ong đực.
Vai trò quan trong nhất chính là ong chúa. Nó là con cái duy nhất trong đàn làm nhiệm vụ sinh sản. Cũng chính vì sứ mệnh to lớn dó nên cho dù đàn ong mật có đông đến đâu thì ong chúa vẫn vững chắc trong vai trò lãnh đạo tối cao. Nó sắp xếp tất cả các công việc trong đàn của mình. Trong tổ ong rất nhiều ô, ong chúa được bố trí sống trong một khu riêng do những con ong thợ miệt mài xây dựng. Nó cũng chính là con ong lớn nhất của đàn, cơ thể dài và to hơn các ong đực. Nó cũng là con sống dai nhất của đàn, có thể tới 3 năm hoặc 5 năm. Tốc độ sinh sản của ong chúa cực kỳ nhanh, một ngày có thể sinh ra từ 2.000 đến 3.000 trứng. Một con ong chúa có thể đẻ khoảng 1 triệu trứng trong vòng đời của mình.
Sau ong chúa là ong đực. Số lượng ong đực trong đàn khá ít, khoảng 2%. Cơ thể chúng nhỉnh hơn ong thợ nhưng không có vòi tiêm nọc, cũng không có túi đụng phấn hoa. Cuộc sống của ong đực không kéo dài nhưng khá thảnh thơi, là bởi chúng chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là giao phối với ong chúa để phát triển bầy đàn, duy trì nòi giống. Sau khi giao phối ong đực sẽ bị chết, đời sống của nó chỉ kéo dài vài tháng. Chính vì đặc điểm này, người ta cho rằng ong đực có cuộc sống “bi thương”.
Còn ong thợ, chúng chiếm tới gần 98% trong đàn. Chúng đều là ong cái nhưng không thể đẻ trứng. Chúng là những con ong chăm chỉ và cũng là những kẻ “cực” nhất: suốt đời một con ong thợ phải ra ngoài tổ tìm phấn hoa và hút mật. Khi trở về lại phải chăm sóc ấu trùng do ong chúa đẻ ra. Công việc xây tổ và chăm sóc ong chúa cũng rất nặng nhọc vì ong chúa khá trái tính trái nết. Chưa hết, ong thợ còn phải làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự và luật lệ trong đàn.
Việc nuôi ong lấy mật khá phổ biến.
Có lẽ do lao động quá vất vả, nên cuộc sống của nó cũng không dài hơn cuộc sống của ong đực là bao, trung bình khoảng 6 tháng. Người ta biết rằng, sau khi sinh 3 ngày trong lúc cơ thế chưa cứng cáp nó đã phải làm việc. Đến 9 ngày tuổi thì nó phải lao động như một “nông phu” thật sự. Cho đến 20 ngày tuổi, ong thợ trở thành “công nhân gia công chế biến” mật hoa thành mật ong. Sau đó, theo sự chỉ huy của ong chúa, chúng phải bay ra khỏi tổ để tìm mật và phấn hoa.
Cuối cùng không thể không nói đến “ngôi nhà chung” của lũ ong. Tổ của chúng được hình thành từ rất nhiều phòng nhỏ hình lục giác, làm bằng sáp nằm sát nhau. Những khoang phía trên và hai bên tổ là nơi cất mật. Các khoang ở giữa là để lưu trữ phấn hoa. Khu vực giữa tổ là nơi nuôi dưỡng ấu trùng. Cách bố trí ấy được giới nghiên cứu cho là “khoa học tuyệt đối không hề khiếm khuyết”.