Tinh giản biên chế là đòi hỏi bức thiết của nhân dân
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm HĐTV Văn hóa xã hội – UBTƯ MTTQ Việt Nam với Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu, khóa XII, đang thảo luận, cho ý kiến.
Ông Nguyễn Túc.
PV: Thưa ông, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu, khóa XII, đang thảo luận, cho ý kiến một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ông nhìn nhận thế nào về chủ trương này?
Ông Nguyễn Túc: Thực tế thời gian vừa qua thấy bộ máy chúng ta cồng kềnh, hiệu quả không cao, từ đó tác động không tốt đến sự phát triển kinh tế. Điều quan trọng hơn là nó ảnh hưởng đến đóng góp của dân để xây dựng bộ máy đó.
Một bộ máy với hơn 3,5 triệu người người, đáng lưu ý hơn 60% ngân sách của nhà nước chi cho lương cho bộ máy đó, cùng với chi cho an ninh quốc phòng, trả nợ nước ngoài thì khoảng 84-88% ngân sách nhà nước chi cho thường xuyên còn từ 12-16% cho phát triển thì không thể phát triển được.
Mặc dù chi nhiều nhưng bộ máy không hiệu quả vì chồng chéo. Việc tinh giản làm cho bộ máy gọn hơn, có hiệu quả hơn đang là yêu cầu bức xúc hôm nay không chỉ của Đảng mà là yêu cầu bức xúc, sự đòi hỏi của nhân dân làm sao để bộ máy đó sát dân, vì dân, phục vụ dân, không để bức xúc của dân không đến được Trung ương vì quá nhiều tầng, nhiều nấc.
Trong phát biểu khai mạc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra thực tế tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong đó có khối MTTQ và các đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm đổi mới. Tổ chức và biên chế ngày càng phình to. Điều đó đặt ra yêu cầu trước mắt và lâu dài phải đổi mới, tinh gọn bộ máy trong đó có MTTQ Việt Nam, thưa ông?
- Mới đây tại hội thảo đổi mới tổ chức và hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội nhiều đại biểu đã thừa nhận thực tế trong hoạt động của mình, cùng một sự việc nhưng Mặt trận làm và tổ chức thành viên cũng làm, thậm chí Mặt trận làm rồi nhiều tổ chức thành viên làm theo dẫn đến chồng chéo, hiệu quả không cao.
Điều này đặt ra cho Mặt trận yêu cầu là phải xem xét lại bộ máy của mình để đổi mới hơn nữa. Vấn đề trước mắt trong đổi mới tổ chức của Mặt trận và các tổ chức thành viên là Mặt trận phải thực hiện đúng chức năng của mình là phối hợp và thống nhất hành động. Mỗi tổ chức thành viên việc phải rõ, chứ Mặt trận không thể làm thay các tổ chức thành viên.
Như việc xóa đói giảm nghèo. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận nhưng trong xóa đói giảm nghèo phải rõ cái gì Mặt trận làm, cái gì tổ chức thành viên thực hiện.
Việc vận động tháng “Vì người nghèo” Mặt trận có thể làm nhưng đi vận động từng đối tượng, từng thành phần trong xã hội phải giao cho các tổ chức thành viên.
Việc đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy là vấn đề quan trọng tuy nhiên cũng đầy phức tạp, nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở.
Chính vì vậy cần những giải pháp để việc đổi mới tổ chức bộ máy đảm bảo hài hòa giữa kế thừa ổn định và phát triển và vẫn giải quyết triệt để những vấn đề thực tế đang đặt ra đối với tổ chức bộ máy của toàn bộ hệ thống chính trị.
Thực tiễn đặt ra nhiều địa phương, bộ ngành đã tiến hành thí điểm việc đổi mới tinh gọn, việc đổi mới tinh gọn trong MTTQ Việt Nam cần được tiến hành như thế nào thưa ông?
- Ở Trung ương trước đây chúng ta có Ban Dân vận Mặt trận. Nhưng tình hình hôm nay khác, theo tôi không thể sáp nhập Dân vận và Mặt trận làm một được vì hai tổ chức này có nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau.
Bởi Mặt trận có sứ mệnh của riêng mình trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân nhất là khi phát huy vai trò giám sát, phản biện. Không ai có thể làm thay Mặt trận trong nhiệm vụ này.
Tuy nhiên trước nhiệm vụ tinh giản, chúng ta có thể tinh giản bộ phận tham mưu của Dân vận, Mặt trận thuộc cấp huyện, quận qua việc phối hợp bộ phận tham mưu, giúp việc.
Trước mắt chúng ta thống nhất hoặc phối hợp ở cấp huyện, cấp quận bộ phận tham mưu giúp việc. Chính những cái đó sẽ tinh giản được rất nhiều.
Và vấn đề quan trọng hơn là hiệu quả tham mưu, chỉ đạo phong trào đối với Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó cần phải đổi mới phương thức hoạt động ở cơ sở một cách mạnh hơn. Tuy nhiên một ông Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn không thể ôm hết việc của Mặt trận được.
Cốt lõi của đổi mới phương thức hoạt động ở cơ sở là người cán bộ Mặt trận chuyên trách phải là người quy tụ, kết nối tạo phong trào, thu hút trí tuệ của toàn dân.
Trân trọng cảm ơn ông!