Bảo hiểm cho nghệ sĩ xiếc: Đầu chưa xuôi, đuôi có lọt?
Những năm gần đây, các tiết mục xiếc đã đưa nghệ sĩ Việt Nam “ghi danh” trên bản đồ nghệ thuật xiếc trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, đằng sau hào quang thì những tai nạn khi luyện tập vẫn đang khắc phục bằng nguồn kinh phí “tự thân vận động”.
PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với NSƯT Hoàng Minh Khánh- hiệu trưởng Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.
NSƯT Hoàng Minh Khánh.
PV: Thưa ông, với bộ môn nghệ thuật đặc thù như xiếc thì những tai nạn trong quá trình luyện tập là điều không thể tránh khỏi?
NSƯT Hoàng Minh Khánh: Thú thực việc xảy ra những chấn thương với nghệ thuật xiếc là việc không thể tránh khỏi. Bởi đây là vấn đề đặc thù mà ngay những người nghệ sĩ xiếc dù không mong muốn nhưng đều phải chấp nhận khi theo nghề.
Tuy nhiên, ngay từ khâu đào tạo Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam luôn có những quy chế “ngặt nghèo”. Cụ thể, học sinh giáo viên phải mặc quần áo thể thao đi giày thể thao vào huấn luyện.
Mặc dù, trang thiết bị luyện tập hiện nay tuy đơn giản, thiếu thốn nhưng so với các bộ môn thể thao chúng tôi đã hạn chế tối đa được những ca chấn thương trong quá trình luyện tập hay gặp phải.
Bởi những chấn thương gặp phải cực nguy hiểm. Đơn cử như những tiết mục nhào lộn trên cao nếu bị rơi sẽ không chỉ là những chấn thương mà còn là tính mạng con người.
Trong nhiều năm nay, chúng tôi đã xây dựng quy chế an toàn lao động trong luyện tập và do Ban giám hiệu chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, thú thật việc này là khó vô cùng. Bởi ngay những người thầy trong quá trình giảng dạy, giúp đỡ các học sinh luyện tập cũng đã gặp phải vô số chấn thương.
Mới đây, Bộ VHTTDL đưa ra dự thảo Thông tư Quy định một số nội dung về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao. Tuy nhiên, dường như những chế độ với ngành đào tạo xiếc bị bỏ quên?
- Quanh câu chuyện này đã có rất nhiều ý kiến. Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu các cơ sở đào tạo chỉ quan tâm đến chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với học sinh thì chưa hẳn đã đúng.
Bởi thời gian học tập của các em học sinh tại Trường chỉ có 5 năm. Mà thời gian sau khi tốt nghiệp mới chính là cuộc đời. Hơn nữa, thời gian học tập của các em còn đang ở độ tuổi vị thành niên nên các em được gia đình và Nhà nước bao cấp lo cho toàn bộ chi phí học tập và sinh hoạt sống.
Một buổi tập luyện của nghệ sĩ xiếc.
Một thực tế nữa cho thấy, chi phí của gia đình học sinh cho đào tạo một diễn viên xiếc chuyên nghiệp không hề tốn kém nếu so sánh với các lĩnh vực đào tạo khác.
Tuy nhiên đòi hỏi cơ bản là vấn đề bảo hiểm đối với học sinh trong quá trình luyện tập tại các cơ sở đào tạo thì ngay trong Thông tư dường như vẫn chưa đề cập tới.
Các đối tượng là học sinh, sinh viên được đào tạo nghệ thuật đặc thù như xiếc chưa có những chế độ đãi ngộ thật sự sự thỏa đáng. Đơn cử, như trường hợp em Nguyễn Thanh Tuấn mới đây bị gấu cào, hay là có những em bị khỉ cắn.
Những tai nạn đó đã dẫn tới việc nhiễm trùng, sưng, sốt cao, nhưng cũng chưa có chế độ chính sách cụ thể. Việc cứu chữa những tai nạn hoàn toàn phụ thuộc vào Bảo hiểm Y tế.
Ngoài ra, tiền chi ngân sách trong vấn đề này cho Trường hoàn toàn không có. Nhiều năm nay chúng tôi cũng đã kiến nghị và đề xuất xin giao ngân sách chi thường xuyên nhằm giảm thiểu tối đa xác suất nguy cơ chấn thương có thể xảy đến… Thế nhưng nếu so với đơn vị biểu diễn như Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì chúng tôi thua thiệt hơn rất nhiều.
Tức là đầu ra hiện đang được quan tâm hơn đầu vào?
- Đúng vậy! Ở câu chuyện này tôi muốn nói đến vấn đề để có được một sản phẩm thụ hưởng tốt thì rất cần ở khâu đào tạo ban đầu.
Chúng tôi tôi luôn tự hào dù điều kiện vật chất có khó khăn nhưng công tác đào tạo không hề thua kém các nước trong khu vực.
Bằng chứng là các giải thưởng mà nhà trường đã dành được ở các cuộc thi trong nước và quốc tế trong những năm trở lại đây.
Chưa kể, trường còn hỗ trợ đào tạo các nghệ sĩ xiếc của Lào và Campuchia trong năm nay. Thế nhưng vui một thì cũng buồn mười bởi học sinh của trường đa phần là các em đến từ vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.
Đào tạo được các em thành nghề đã khó mà giữ các em theo học trọn vẹn cả khóa học 5 năm của ngành Xiếc thì năm nào cũng là câu chuyện buồn phải đối mặt.
Tuyển sinh, từ hàng nghìn học viên để rồi chắt lọc được gần 40 em theo học. Nhưng thú thật, nhiều năm rồi chúng tôi đã quen với cảnh bố mẹ đưa con lên nhập học hôm trước, hôm sau đã lên xin đưa về.
Bởi với nhiều em dù đã có hỗ trợ nhưng với mức chi tiêu 1,5 triệu đồng/1 tháng đã là nguồn thu của cả một gia đình. Chưa kể việc “chảy máu tài năng” khi nhiều đoàn dùng tiền để “mua” các em về khi Trường đã đào tạo được gần “chín muồi”.
Thời gian qua, dư luận có phản ánh việc phụ huynh xin cho con về vì quá “xót” sau những lùm xùm về việc đãi ngộ của trường. Với tư cách hiệu trưởng, ông ý kiến gì về câu chuyện này?
- Các giáo viên của trường không chỉ đảm nhận vai trò làm thầy mà còn đảm nhận việc làm cha, làm mẹ. Hiện tại, trường cắt cử 3 giáo viên thay phiên nhau làm quản lý các em ngoài giờ tại kí túc xá.
Bởi thực tế, xiếc khác hẳn với các chuyên ngành đào tạo khoa học lý thuyết trên giảng đường. Đối với kỹ năng thực hành đặc biệt của xiếc thì các giáo viên trong quá trình huấn luyện học sinh vừa phải nhắc giảng về lý thuyết còn kiêm nhiệm cả hướng dân kỹ năng thực hành.
Từ đó dẫn tới bệnh nghề nghiệp là nói to. Nhiều khi để động viên nên dẫn tới những hiểu lầm đáng tiếc. Tuy nhiên, tôi khẳng định không có chuyện lăng nhục, chửi bới học sinh.
Ở đây chúng tôi luôn tạo nên sự vui vẻ, nhằm khích lệ các em cố gắng. Nếu có vấn đề còn phải suy nghĩ xin hãy một lần đến với các sàn tập của chúng tôi, mọi người sẽ hiểu và thông cảm với những khó khăn của ngành đào tạo xiếc.
Trân trọng cảm ơn ông!