Chăm sóc nguồn nhân lực
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, gợi mở một số vấn đề cần tập trung thảo luận tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói về vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân; đặt trong tổng thể của tiến trình phát triển.
Lo cho vấn đề sức khỏe của nhân dân cũng là lo cho chất lượng nguồn nhân lực. Đương nhiên, nếu nói chất lượng nguồn nhân lực thì phải nói cả ở hai khía cạnh: Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao và nguồn nhân lực có sức khỏe tốt. Đây là sự nhìn xa, trông rộng của Trung ương Đảng, của Nhà nước trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới bên ngoài và nguồn nhân lực của chúng ta đang được đánh giá là khá dồi dào khi đang ở giai đoạn dân số vàng.
Phiên Khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân là công tác đặc biệt quan trọng, liên quan đến mọi người, mọi nhà và được cả xã hội quan tâm, có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất ưu việt, tốt đẹp của chế độ ta.
Hơn 20 năm nay, Trung ương Đảng đã thường xuyên ban hành nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Theo tổng kết thì riêng về vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 8 chỉ thị, 3 kết luận, 4 thông báo và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.
Riêng với đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế cả nước chúng ta đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nâng cao trình độ nghiệp vụ; cũng như đầu tư xây dựng các cơ sở y tế trên cả nước, những năm qua, chúng đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện nhiều chính sách, biện pháp tăng cường bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nước ta được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ.
Tuy nhiên, theo như Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra thì: Trước yêu cầu mới trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân cũng bộc lộ không ít yếu kém, khuyết điểm, để xảy ra một số sự việc, sự cố gây bức xúc xã hội.
Để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cần bàn và ra nghị quyết về vấn đề này.
Theo đó, trên cơ sở các báo cáo, đề án và tờ trình của Bộ Chính trị, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, đề nghị Trung ương thảo luận, đi sâu phân tích, đi đến thống nhất cao nhận định về những kết quả, ưu điểm, thành tích cũng như về những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong thời gian qua; chỉ ra những thời cơ, thuận lợi cần kịp thời nắm bắt và những khó khăn, thách thức cần nỗ lực vượt qua trong thời gian tới. Từ đó xác định quan điểm, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần nắm vững và thực hiện trong giai đoạn mới.
Nếu kể đến những thành tựu của y học nước nhà người ta có thể nhắc đến những ca ghép tạng thành công ngày càng nhiều; những kết quả nổi bật trong tim mạch can thiệp mà nhiều bác sĩ của ngành y đã được ví như những “đôi tay vàng”; rồi những kết quả trong điều trị các bệnh do thoái hóa xương khớp gây nên…
Về thành tựu thì y văn Việt Nam ghi nhận nhiều. Những thành tựu ấy đều nhờ ở sự nỗ lực tự thân vượt lên chính mình, học hỏi của các bác sĩ Việt Nam và sự chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Nhà nước.
Chính vì những lý do này mà chúng ta cần nắm bắt thời cơ, thuận lợi- đó chính là những kết quả, thành tích đã đạt được trong lĩnh vực này cũng như những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của 30 năm đổi mới; sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ y tế dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế?...
Nhưng nói đến hạn chế thì cũng không phải là ít. Khó khăn, thách thức ấy phải chăng cần kể đến những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực có liên quan; sự thay đổi nhanh chóng về điều kiện sống, lối sống, môi trường sống và làm việc, các loại dịch bệnh; nguồn lực của Nhà nước còn hạn hẹp trong khi việc huy động các nguồn lực xã hội còn nhiều khó khăn?...
Bên cạnh đó, tình trạng nằm ghép vẫn còn tồn tại ở nhiều bệnh viện nhất là các bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh đó, không thể không thẳng thắn chỉ ra: Xã hội phát triển, người dân có điều kiện tiếp cận với nhiều dịch vụ y tế cao cấp, hiện đại nhưng vẫn không tránh khỏi tỉ lệ người mắc các bệnh nan y đang tăng lên.
Rồi nhiều dịch bệnh vẫn chưa thể thanh toán triệt để. Câu chuyện bùng phát dịch sởi cách đây vài năm hay việc bùng phát dịch sốt xuất huyết mới đây là những ví dụ đắt giá.
Từ những thuận lợi, khó khăn ấy, chúng ta cần nhấn mạnh, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự hưởng ứng tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân; vai trò chủ đạo của các bệnh viện, cơ sở y tế công lập.
Theo Tổng Bí thư thì, trong cơ chế thị trường hiện nay, “cần vận dụng đúng đắn cơ chế thị trường để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân gắn với bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa và tính ưu việt của chế độ ta, như chúng ta đã phát triển được hệ thống y tế cơ sở, quản lý, chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở từng xã, phường, cơ quan, đơn vị trong những năm tháng đất nước còn khó khăn hơn hiện nay rất nhiều.”
Trên cơ sở ấy, Trung ương cho rằng, cần nhấn mạnh kết hợp tốt hơn nữa giữa phòng bệnh và chữa bệnh; giữa chăm sóc và bảo vệ; giữa đông y và tây y; giữa y tế cơ sở với y tế các tuyến trên; giữa đầu tư ngân sách nhà nước với tăng cường tự chủ, xã hội hoá; giữa y tế toàn dân với đào tạo các bác sĩ, chuyên gia giỏi, đầu ngành…
Hy vọng, việc ra đời một Nghị quyết mới về chăm sóc sức khỏe nhân dân- chăm sóc nguồn nhân lực tạo ra của cải cho phát triển đồng bộ. Điều ấy là rất cần thiết.