Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chú trọng giáo dục kỹ năng sống

Lam Nhi 06/10/2017 08:15

Hình thành kỹ năng sống cho con em trong lứa tuổi thanh thiếu niên đang là vấn đề ngày càng được nhiều bậc cha mẹ, các nhà giáo dục và xã hội chú ý.

Bên cạnh những khóa học kỹ năng nở rộ hiện nay, nhiều người đặt kỳ vọng vào chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sắp triển khai sẽ phần nào lấp đầy được sự thiếu hụt này ở chương trình phổ thông hiện hành.

Trang bị kỹ năng sống cho học sinh là điều cần thiết.

Lý thuyết gắn với thực hành

Theo chương trình GDPT tổng thể đã được Bộ GD&ĐT công bố, mục tiêu của chương trình GDPT mới là giúp người học làm chủ kiến thức phổ thông; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, kỹ năng sống cho học sinh theo cách hiểu đơn giản nhất là những kỹ năng học tập, kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng thích ứng và hòa nhập với cuộc sống, kỹ năng làm việc, giúp các em tạo dựng khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác, với xã hội và khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống.

Sự cần thiết của việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên đã được nhấn mạnh từ lâu. Nhiều gia đình cũng quan tâm đưa con em mình tới những trung tâm đào tạo kỹ năng sống để bổ sung thêm những gì thiếu hụt mà chương trình giáo dục trong nhà trường chưa đề cập đến, đặc biệt là mỗi dịp hè về. Tuy nhiên, hiệu quả của những khóa học này vẫn gây nhiều tranh cãi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Bộ GD&ĐT hiện không có sách giáo khoa về kỹ năng sống. Môn Kỹ năng sống được đưa vào ngoài chương trình chính khóa.

Bộ cũng đã phê duyệt chương trình giáo dục kỹ năng sống, khuyến cáo nhà trường đưa vào để giảng dạy. Hiện nay, các chuyên gia đã thẩm định và chuẩn bị ban hành.

Đối với chương trình, sách giáo khoa mới đang trong giai đoạn xây dựng và sẽ áp dụng trong 1 hoặc 2 năm học tới, nhiều chuyên gia giáo dục và người dân đều mong mỏi trong chương trình và sách giáo khoa mới sẽ chú trọng hơn đến giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cụ thể là học sinh học xong phải thể hiện được, làm được; biết vận dụng những kiến thức để giải quyết các tình huống đặt ra trong cuộc sống và học tập.

Theo GS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trong chương trình GDPT tổng thể đã công bố hiện không có môn học nào mang tên kỹ năng sống.

Tuy nhiên, có chương trình hoạt động trải nghiệm (trong bản dự thảo trước đây gọi là hoạt động trải nghiệm sáng tạo) với thời lượng 105 tiết từ lớp 1 đến lớp 12.

Thông qua những hoạt động cụ thể này, có thể giáo dục kỹ năng cần thiết theo từng lớp học, cấp học và sau này phù hợp với thực tiễn với địa phương.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS TS Đinh Thị Kim Thoa- chủ biên Chương trình Hoạt động trải nghiệm cho biết: Trong Chương trình mới, các hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ dạy học trên lớp sẽ phong phú hơn cả về nội dung, phương pháp và hình thức hoạt động, đặc biệt, mỗi hoạt động phải phù hợp với mục tiêu phát triển những phẩm chất, năng lực (sau đây gọi chung là năng lực, hiểu theo nghĩa rộng của từ này) nhất định của học sinh; nghĩa là học sinh được học từ trải nghiệm.

Học từ trải nghiệm gần giống với học thông qua làm, qua thực hành nhưng học qua làm là nhấn mạnh về thao tác kỹ thuật còn học qua trải nghiệm giúp người học không những có được năng lực thực hiện mà còn có những trải nghiệm về cảm xúc, ý chí và nhiều trạng thái tâm lý khác; học qua làm chú ý đến những quy trình, động tác, kết quả chung cho mọi người học nhưng học qua trải nghiệm chú ý gắn với kinh nghiệm và cảm xúc cá nhân.

Ngoài ra, việc đào tạo kỹ năng sống còn thông qua các môn học khác trong chương trình như Ngữ văn, Toán, Vật lý… hay các môn giáo dục thể chất, nghệ thuật, giáo dục an ninh quốc phòng…

Biểu hiện cụ thể là mỗi môn học không rèn luyện nhận thức mà còn thực hành, liên hệ thực tiễn rèn luyện kỹ năng.

Chẳng hạn, các đề thi về môn khoa học xã hội, nhân văn, tự nhiên hiện nay và sau này đã chú trọng, đưa vào các vấn đề xã hội thực tiễn để học sinh phân tích, tìm hiểu và cảm nhận. Như vậy, trong giáo dục, đều tích hợp vấn đề kỹ năng sống.

Lưu ý phương pháp dạy kỹ năng sống

Nhấn mạnh những vấn đề trên là điều xã hội kỳ vọng ở chương trình, sách giáo khoa mới, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, để thực hiện được điều đó trong thực tế hay không thì phải chờ chương trình chi tiết từng môn học và các bộ sách khoa chính thức được công bố mới có thể kết luận được.

Tuy nhiên, ngay từ đầu người dân “đặt hàng” Bộ GD&ĐT, ban soạn thảo chương trình thì khi triển khai vấn đề này chắc chắn sẽ được chú trọng hơn.

“Sau đó là đến vấn đề thầy cô giáo sẽ giảng dạy lồng ghép, tích hợp các kiến thức này như thế nào, tạo điều kiện cho học sinh thực hành ra sao để học sinh có thể vận dụng được những kỹ năng, hiểu biết này vào cuộc sống cũng là một bài toán cần đến cả năng lực sư phạm và sự tập huấn kỹ lưỡng từ Bộ GD&ĐT”- GS Hạc nhấn mạnh.

Từ góc độ một chuyên gia giáo dục học, TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng trong quá trình dạy kỹ năng sống trong nhà trường thì quan trọng là các phương pháp, nội dung và khái niệm của các nhà trường.

Phải làm sao khi các bạn ấy học rồi, không phải đưa cho các bạn một quy tắc là khi có việc này xảy ra thì phải làm như thế kia… mà phải biến thành những bài tập, trò chơi, tình huống được giáo viên đưa vào các hoạt động trên lớp, hoặc hoạt động thực tế để trẻ tự rút ra, tại sao mình phải làm như vậy… Giá trị sống và kỹ năng sống luôn phải đi kèm với nhau, đó là điều mà giáo viên phải chú ý.

Các thầy cô giáo nên lưu ý đến các bài tập tình huống. Những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống được đưa vào các hoạt động trên lớp một cách vui nhộn sẽ khiến trẻ nhớ lâu và ứng dụng một cách tự nhiên khi rơi vào trường hợp tương tự.

Lam Nhi