Khai mạc Hội thảo hợp tác, phát triển CNTT-TT lần thứ 21
Ngày 6/10, tại Lào Cai, Bộ TTTT phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai và Hội Tin học Việt Nam đã tổ chức khai mạc Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam lần thứ XXI năm 2017, với chủ đề Nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.
Khai mạc Hội thảo hợp tác, phát triển CNTT-TT lần thứ 21.
Tại Hội thảo, TS Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng chính phủ khẳng định: “Xây dựng các đơn vị hành chính công là để phục vụ nhân dân, muốn quyền của dân được đáp ứng thì cải cách thủ tục, đi liền với ứng dụng tiến bộ công nghệ kĩ thuật để khắc phục tồn tại là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam.
Hội thảo chính là dịp để các các bộ cùng nêu lên quan điểm, tiếng nói của mình để làm sao chúng ta không bị đi lùi trong thời đại công nghiệp 4.0 này”.
Trên thực tế, mối quan tâm đến “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” không chỉ của riêng một cá nhân hay tổ chức doanh nghiệp nào, mà còn là vấn đề cấp thiết của toàn đất nước.
Tham gia hội thảo, ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI cho biết: “FSI mong muốn các cơ quan chức năng xây dựng các chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ thông tin, giải pháp phần mềm: Giảm thuế VAT, hỗ trợ thủ tục hành chính... cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia triển khai, tư vấn các dự án CNTT trong lĩnh vực cải cách hành chính và các dự án mang tính chất chuyên môn...”.
Bên cạnh đó, một chủ đề khá mới được đưa ra tại Hội thảo CNTT-TT lần thứ 21 này là mục tiêu xây dựng “Thành phố thông minh” - thuật ngữ đã trở nên phổ biến khi nhiều thành phố lớn trên thế giới tìm cách áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng sống của cư dân, trước áp lực đô thị phát triển quá nhanh trong những năm gần đây.
Trong tham luận tại hội thảo, ông Lê Xuân Công, Vụ Trưởng vụ khoa học và Công nghệ đã đưa ra những ví dụ thực tiễn về thành phố thông minh ở nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản,… từ đó nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Theo chiến lược của Chính phủ, dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể là ITU, khuyến khích 1 thành phố đủ điều kiện của Việt Nam đăng ký tham gia dự án thí điểm KPI của ITU ( bao gồm 6 lĩnh vực chia thành 37 tiêu chí với tổng cộng 115 chỉ số). Đồng thời khẳng định đây không phải là việc của riêng bất kì tỉnh, thành phố nào mà cần sự hợp lực của các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong cả nước.
* Song song với các phiên đối thoại, trong khuôn khổ sự kiện còn có Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam- những bằng chứng lịch sử”; Triển lãm sản phẩm CNTT; Trao thiết bị tin học cho một số xã khó khăn trên địa bàn tỉnh; Hội nghị Hội đồng Trung ương các Hội Tin học thành viên;...