Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018: Điều chỉnh để phân hóa tốt hơn
Bộ GD&ĐT lưu ý học sinh tham khảo định dạng đề thi năm 2017, không cần có thêm đề thi minh hoạ mới. Đề thi năm nay sẽ điều chỉnh một số chi tiết nhỏ để phân hóa tốt hơn so với đề thi năm 2017.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017.
Nên củng cố kiến thức cả cấp III
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, nhằm định hướng các nhà trường và học sinh trong việc dạy và học, chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, ngay từ đầu năm học 2017- 2018 Bộ đã thông báo chủ trương tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH- CĐ hệ chính quy năm 2018 và những năm tiếp theo. Theo đó, nội dung thi năm 2018 nằm trong chương trình lớp 12 và lớp 11. Các trường chờ công văn ban hành của Bộ để hướng dẫn dạy học và ôn tập theo đúng định hướng nêu trên.
Trong văn bản gửi các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2018, Bộ GD&ĐT nhận định: Sau 3 năm thực hiện đổi mới, đến nay phương thức tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình đánh giá cao. Do vậy, từ năm 2018 đến 2020, kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định như năm 2017. Từ năm 2021, các bài, môn thi được thiết kế phù hợp lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu điều kiện cho phép, thí sinh có thể làm bài trên máy tính. Bộ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức với 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Ngoài bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Các câu hỏi có nội dung nằm trong chương trình lớp 12, với 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân loại và được sắp xếp từ dễ đến khó.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng khẳng định, phương án thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ không thể có sự thay đổi mỗi năm 1 lần mà phải có kế hoạch khoa học và tổng thể, được thực hiện từng bước, có lộ trình. Theo Bộ GD&ĐT, những đổi mới về phương án thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ là nhằm ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh, giúp các em có nhiều quyền lợi hơn. Vì vậy, thí sinh không nên quá băn khoăn, lo lắng. Kỳ thi THPT quốc gia có thể sẽ có những thay đổi về cấu trúc đề thi, tổ chức thi nhưng đề thi đều nằm trong sách giáo khoa THPT nên thí sinh cần học tập thật tốt chương trình giáo dục THPT.
Học sinh lo lắng
Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017, việc công bố đề thi minh họa đã được thực hiện vào đầu 10/2016 để giúp thí sinh biết cấu trúc đề thi. Thông tin về việc Bộ không công bố cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 đang được ít nhiều khiến học sinh băn khoăn. Bởi cho dù phương thức thi năm 2018 đã được công bố sớm, định dạng đề thi năm 2018 giống với năm 2017 nhưng cấu trúc của đề thi năm tới lại không hoàn toàn giống như trước, nội dung thi sẽ nằm cả trong chương trình lớp 11 và lớp 12. Vậy thì tỉ lệ giữa kiến thức lớp 11 và lớp 12 ra sao? Và sau khi đã rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm 2017, lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để phục vụ xét tuyển ĐH- CĐ, việc ra đề hướng tới tiêu chí phân hóa tốt hơn, hẳn cũng sẽ khó hơn…
Xác nhận điều này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD&ĐT cho hay, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 giữ ổn định như năm 2017, song về kỹ thuật sẽ có một số điều chỉnh nhỏ, rút kinh nghiệm sau kỳ thi năm 2017. Bởi đề thi năm 2017 đã tạo điều kiện thuận lợi cho phần lớn các trường khi xét tuyển đại học và xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, với một số trường nhóm trên, do điểm khá cao nên việc xét tuyển cũng có khó khăn nhất định. Vì thế, một trong những chủ trương chính của năm nay là Bộ GD&ĐT sớm hoàn thiện ngân hàng đề thi chuẩn hóa, phân hóa. Bộ cũng nghiên cứu để điểm cộng ưu tiên phù hợp hơn.
Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, kết quả vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để làm cơ sở xét tuyển vào các trường ĐH- CĐ, cấu trúc đề thi theo đó đã có sự thay đổi. Với cấu trúc đề thay đổi thì việc tính toán mức độ điểm ưu tiên cũng cần điều chỉnh cho phù hợp với cấu trúc đề thi mới. Việc sắp tới của Bộ GD&ĐT là sẽ phân tích kết quả thi và ảnh hưởng của điểm ưu tiên đến kết quả xét tuyển của thí sinh vào các trường ĐH, CĐ. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xin ý kiến các đơn vị liên quan để có thể điều chỉnh mức điểm ưu tiên giữa các khu vực và các đối tượng.
Ông Nghĩa cũng khẳng định, với việc giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia từ nay cho đến năm 2020 là một thuận lợi, các học sinh và thầy cô giáo đã có cơ sở để ôn tập và yên tâm để có kết quả tốt cho kỳ thi.