Gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp (DN) phàn nàn kêu khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi ngân hàng thương mại kêu khó mở rộng tín dụng cho DN nhỏ và vừa (NVV). Thời gian gần đây, các ngân hàng dường như cũng đã mạnh tay hơn trong việc bơm vốn cho khu vực này.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Chuyên gia tài chính ngân hàng hiện nay các DNNVV có hai rủi ro lớn đó là việc nhiều DN đã đầu tư ngoài ngành và phát triển quy mô của chính sản phẩm của mình mà không quan tâm nhiều tới quy luật phát triển vi mô. Do đó, các DN đặc biệt là DNNVV cần phải có chiến lược hoạt động hiệu quả và minh bạch thông tin trong báo cáo tài chính.
Chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, DNNVV đóng góp khoảng 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm. Không chỉ là thành phần cực kỳ quan trọng của nền kinh tế, đối với ngành ngân hàng (NH), DNNVV được xác định là động lực phát triển của nền kinh tế quốc dân, là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên cần đầu tư vốn để phát triển. Thế nhưng tín dụng cho khu vực DN này chưa cao. Theo số liệu thống kê, mới chỉ có khoảng 22% DNNVV tiếp cận được với tín dụng.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích có 8 nguyên nhấn khiến tín dụng DNNVV còn chưa cao. Bên cạnh các nguyên nhân trên, ông Lực cho rằng còn có nguyên nhân đến từ các tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo đó, một số TCTD chưa thực sự “mặn mà” đối với khách hàng DNNVV, một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao. Các TCTD chưa có các sản phẩm-dịch vụ chuyên biệt cho nhóm khách hàng DNNVV, các sản phẩm chưa đa dạng, linh hoạt. Đặc biệt, thủ tục tín dụng còn rườm rà, phức tạp cũng là một trong những “rào cản” khiến TCTD chưa thể giải ngân.
Hiện nay ngoài những chương trình chuyên biệt mà các NH tung ra, ngành NH cũng đã triển khai “Chương trình kết nối NH - DN” để đưa vốn đến DN. Được khởi động từ TP. Hồ Chí Minh, sau gần 4 năm triển khai trên toàn quốc, đến nay chương trình kết nối NH-DN đã tổ chức 730 buổi hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngành NH đã hỗ trợ DN với nhiều hình thức như: Cho vay mới với lãi suất thấp, giảm lãi suất các khoản vay cũ, nâng hạn mức tín dụng, cơ cấu lại các khoản nợ cũ…
Thống kê từ NHNN, đến nay, qua chương trình này, tổng số tiền các NH cam kết cho vay mới đạt hơn 1.150.000 tỷ đồng; Tổng nguồn vốn các NH đã hỗ trợ cho hơn 77.000 khách hàng DN và các đối tượng khách hàng khác đạt trên 1.240.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay mới phổ biến 6 - 9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Đồng thời, hệ thống các tổ chức tín dụng đã thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… với dư nợ khoảng 90.000 tỷ đồng.
Bà Hoàng Thị Hồng – Giám đốc Quỹ hỗ trợ DNNVV – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra giải pháp để hỗ trợ tài chính cho các DNNVV, phải phát triển thị trường tín dụng dành cho DNNVV: Trong đó, phát triển các sản phẩm phù hợp với DNNVV: thủ tục, hồ sơ, lãi suất, TSBĐ…; Phát triển hoạt động cho vay khép kín từ khâu vay thu mua, sản xuất đến khâu chế biến và xuất khẩu cho các nhóm DNNVV có liên kết với nhau theo cùng một chuỗi.
Ngoài ra cần tăng cường liên kết NH với doanh nghiệp, NH với các định chế tài chính hỗ trợ DNNVV, với các hiệp hội DN. Cụ thể, thúc đẩy hình thành mạng lưới các nhà đầu tư, quỹ đầu tư để cung cấp vốn cho DNNVV; Tạo kênh huy động vốn (đặc biệt là vốn trung và dài hạn) cho DNNVV trên thị trường chứng khoán; Đẩy mạnh việc cơ cấu lại các công ty cho thuê tài chính.