Vì sao công chức về hưu sớm?

Nguyên Khánh 08/10/2017 06:00

Trong khi nhiều người cố giữ vị trí tại cơ quan nhà nước thì không ít người đã nói lời từ giã nơi mình đã gắn bó nhiều năm với lý do: Né chính sách để không phải kéo dài thêm nhiều năm đóng bảo hiểm mới được nhận sổ hưu.

Ảnh minh họa.

Có phải chỉ né chính sách?

Từ ngày 1/1/2018, chính sách đóng bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu có nhiều thay đổi. Do đó, thời gian đóng bảo hiểm sẽ tăng thêm 5 năm để nhận được mức lương hưu tối đa. Để né chính sách này, không ít lao động sắp đến tuổi hưu hoặc có thời gian đóng bảo hiểm đủ 20 năm đã lần lượt đi giám định sức khỏe để nhận sổ hưu sớm hơn dự kiến.

Đối tượng xin về hưu trước năm 2018 đa phần thuộc khu vực ngoài công lập, chủ yếu là người lao động. Do điều kiện lao động nặng nhọc, lương không hẳn đã cao việc kéo dài thêm thời gian đóng bảo hiểm khiến họ phải cân nhắc: Ở lại đóng tiếp hay về hưu sớm hơn. Tất nhiên, quyết định đưa ra phải là phương án tối ưu đối với họ.

Thế nhưng, hiện không ít công chức nhân chuyện né chính sách đã xin nghỉ hưu sớm. Và dù giấy giám định sức khỏe của họ đã chứng nhận họ không đủ sức khỏe để tiếp tục công việc hiện tại nhưng ngay sau khi đã làm đầy đủ thủ tục, được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì họ lại tiếp tục nộp đơn để làm việc ở những tổ chức, cơ quan khác dù có cường độ lao động, áp lực lớn hơn rất nhiều. Thực tế không ít người có trình độ học vấn, có cơ hội lương bổng tốt trong cơ quan nhà nước vẫn tìm đường về hưu trước tuổi hoặc đúng tuổi.

Vì sao người ta dễ dàng nói lời chia tay cơ quan nhà nước. Nhiều công chức chia sẻ, môi trường làm việc trong các cơ quan nhà nước hiện nay thực sự chưa phát huy được thế mạnh của từng cá nhân, vẫn nặng tính bảo thủ, trì trệ, sợ trách nhiệm. Nếu cứ duy trì như thế cho đủ năm, đủ tháng để lấy sổ hưu thì rất lãng phí. Lương thấp cộng với môi trường làm việc được đánh giá là chưa tốt, còn lắm bon chen, tị nạnh cá nhân đã khiến nhiều người có tài, có năng lực thực sự không muốn ở lại cơ quan nhà nước. Trong khi đó, nhiều đối tượng trì trệ, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” thuộc diện phải tinh giản biên chế lại tìm cách “bám chặt” vào cơ quan.

Lỗ hổng trong công tác cán bộ
Để xảy ra thực trạng trên là do công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ của ta còn có vấn đề. Đây là một trong những lý do khiến không ít người sau nhiều năm được nhà nước đào tạo, cho đi tu nghiệp ở nước ngoài, nhưng khi về nước đã chán nản, bỏ ra ngoài làm việc cho tư nhân hoặc các tổ chức nước ngoài. Nghỉ hưu sớm, với nhiều người không phải vì họ lười lao động hay né một chính sách nào đó để có lợi cho bản thân. Họ chỉ muốn tìm một môi trường làm việc thực sự cạnh tranh, minh bạch, công bằng.

Trong cuộc làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: “Làm Nhà nước, Bộ, tỉnh thậm chí là Chính phủ mà không kiến tạo được sự phát triển thì trách nhiệm là của chúng ta”. Thủ tướng đề nghị, cần tạo ra những thể chế thông thoáng để phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kể cả những người chưa vào Đảng, kiều bào, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về cống hiến cho quê hương, đất nước.

Tất nhiên, nếu không kịp thời thay đổi cách tuyển dụng, bổ nhiệm, thực hiện quyết liệt tinh giản biên chế..., tạo môi trường làm việc thực sự minh bạch thì nguồn chất xám quý giá sẽ chảy ra khỏi khu vực công ngày càng nhiều.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Tăng thời gian đóng BHXH chỉ với người tham gia vào thị trường lao động muộn


Ông Bùi Sỹ Lợi

Từ 1/1/2018, tất cả những người về hưu, nếu đủ điều kiện nam 60 tuổi có 30 năm đóng BHXH và nữ 55 tuổi có 25 năm đóng BHXH thì tiền lương hưu của cả nam và nữ đều giảm sút một tỉ lệ nhỏ do nam phải đạt 31 năm công tác thì mới được 75%; còn nữ thì trước 2018 sau 15 năm được hưởng 45%, sau đó cứ mỗi năm tham gia BHXH được cộng thêm 3% nhưng bắt đầu từ 2018 chỉ còn 2%.

Kéo dài thời gian đóng BHXH là để bù lại, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tăng lên liên tục trong nhiều năm qua; Chẳng hạn, khu vực nhà nước sau 22 năm (từ năm 1995-2017) đã điều chỉnh lương tối thiểu chung (lương cơ sở) 15 lần, tăng 10,83 lần (từ 120.000 đồng lên 1,3 triệu đồng). Khu vực ngoài nhà nước, sau 10 năm (giai đoạn 2008-2017) đã điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo 4 vùng 10 lần. Cụ thể, vùng 4 tăng 4 lần (từ 650.000 lên 2,58 triệu đồng), vùng 1 tăng 4,7 lần (từ 800.000 lên 3,75 triệu đồng). Đây là cơ sở để bù đắp mức lương hưu do giảm trừ tỷ lệ từ năm 2018.

Nếu thực hiện theo nguyên tắc này người lao động phải tăng thời gian tham gia BHXH thêm 5 năm nữa. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng phải đóng BHXH thêm 5 năm. Cụ thể, nếu người lao động tốt nghiệp đại học năm 22 tuổi, vì lý do nào đó vài năm sau mới ổn định việc làm và 25 tuổi bắt đầu tham gia BHXH. Khi nghỉ hưu, nếu là nữ 55 tuổi vừa vặn có thời gian đóng BHXH 30 năm, còn nam là 60 tuổi cũng vừa đủ 35 năm đóng BHXH. Do đó, NLĐ đều đạt mức hưởng lương hưu 75%. Đặc biệt, với lao động phổ thông đi làm từ 18 tuổi thì thời gian đóng BHXH còn kéo dài hơn cho đến tuổi nghỉ hưu. Như vậy, việc đóng thêm chỉ xảy ra với một số người vì lý do nào đó vào nghề muộn, tham gia BHXH khi đã cao tuổi. Với những người tham gia vào thị trường lao động muộn thì sẽ phải tiếp tục đóng thêm để đảm bảo công bằng.

Bà Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa XIII:

Vì môi trường làm việc


Bà Bùi Thị An­­­

Nhà nước không thể áp đặt và từ chối việc công chức ra đi, mà đã đến lúc phải nhìn nhận lại chính sách đãi ngộ. Giải pháp tốt nhất là trả lương xứng đáng, tạo môi trường làm việc tốt cho họ. Cũng không thể kêu gọi trách nhiệm công dân, đạo đức công vụ, bởi người ta sẽ nói ra ngoài làm thì cũng thực hiện nghĩa vụ công dân là nộp thuế. Còn đạo đức xã hội lớn nhất của con người là sống và làm việc cho xã hội, cho quốc gia, cho nhân dân, công tư không phân biệt.

Vì sao người tài lại dời bỏ nhà nước, điều này ắt hẳn không phải vì lương mà vì môi trường làm việc. Chắc chắn, nhiều người không phải vì tiền lương mà họ bức xúc với lề lối làm việc thiếu trách nhiệm, không chuẩn về mặt công vụ, đố kỵ, chạy chức, chạy quyền.

Có nhiều lỗ hổng trong tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ hiện nay. Một là tình trạng chạy chức chạy quyền ở cơ quan công quyền không còn là cá biệt. Trước đây họ không nói, nhưng bây giờ Đảng, Nhà nước đã cởi mở thì họ thấy bức xúc và phản ứng bằng cách ra đi. Lỗ hổng thứ hai là đạo đức công chức, thể hiện mối quan hệ giữa thủ trưởng và nhân viên còn áp đặt, chuyên quyền. Lỗ hổng thứ ba là điều kiện làm việc, cơ sở vật chất, môi trường kém.

Phải hiểu rộng ra không chỉ môi trường vật chất mà là môi trường con người. Ngoài ra, còn một lỗ hổng là việc trả công chưa xứng đáng. Nhưng cái này khó, do ngân sách có hạn. Muốn cho công chức làm việc tốt thì trước hết phải có tiền lương tốt, đồng thời, Nhà nước phải tạo môi trường để họ cống hiến và có cơ hội thăng tiến về học thức, kinh tế. Hiện Trung ương đang họp, hy vọng sẽ có quyết sách hoàn chỉnh về công tác cán bộ để tìm được người xứng đáng cho nền công vụ, cũng như nếu phải chia tay cơ quan nhà nước sẽ là đối tượng khác chứ không phải là người tài.

Nguyên Khánh