Lùi thời gian thực hiện chương trình phổ thông mới: Tạo đồng thuận xã hội

Lê Thành 08/10/2017 08:20

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lùi một năm cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường truyền thông, mở rộng đối thoại, tạo đồng thuận xã hội về đổi mới giáo dục.


Ảnh minh họa.

Các môn học kế thừa và thống nhất giữa các cấp

Trước đó, tháng 7-2017, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể làm căn cứ để xây dựng dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Bản thảo này có sự tiếp thu ý kiến của chuyên gia, giáo viên, dư luận.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được chia thành hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), không còn lớp dự hướng nghề nghiệp. Hệ thống môn học cũng chỉ còn bắt buộc và tự chọn. Các môn học được kế thừa và thống nhất giữa các cấp giúp học sinh không bỡ ngỡ khi gặp một môn với tên lạ lẫm.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể quy định, thời gian thực học trong năm là 35 tuần. Tổng số tiết học trong năm, số tiết trung bình trong tuần và thời lượng của một số môn học cũng được giảm đi so với trước.

Tổng chủ biên Chương trình phổ thông – GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm công văn báo cáo Chính phủ, đề xuất lùi thời gian triển khai chương trình, sách giáo khoa từ năm học 2018-2019 sang năm học 2019-2020 trên toàn quốc.

Lộ trình áp dụng chương trình mới cho các cấp học cũng được kiến nghị điều chỉnh. Thay vì triển khai cho cả ba cấp (lớp 1, 6, 10) ngay năm đầu tiên, năm học 2019-2020 chỉ học sinh lớp 1 học chương trình mới. Năm thứ hai sẽ thêm lớp 2 và lớp 6; năm thứ ba là lớp 3,7, 10; cuối cùng là ba lớp cuối cấp 5, 9, 12.

Lộ trình này, theo GS Thuyết sẽ hợp lý hơn, để các địa phương có thêm thời gian tập huấn giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất bởi “điều kiện ở nước ta không thể cùng lúc cải thiện hết cơ sở vật chất được mà phải làm dần dần”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định ngành giáo dục đang tích cực, nỗ lực cao nhất để có thể triển khai chương trình, sách giáo khoa mới và lùi thời điểm thực hiện 1 năm thì sẽ có thêm thời gian chuẩn bị cho công tác biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học và hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; ...

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ GD&ĐT trong triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa thời gian qua, đặc biệt là Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên và các tầng lớp nhân dân trên tinh thần cầu thị, khoa học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đối với những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tổ chức các chuyên đề, hội thảo chuyên sâu với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học như phương án phân luồng; số môn học tự chọn, bắt buộc; dạy học ngoại ngữ, tin học; mức độ tự chủ của các trường, địa phương; quan điểm đa dạng, cởi mở trong biên soạn sách giáo khoa...

Chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc biên soạn

Hầu hết các chuyên gia, giáo viên đều đồng tình việc lùi thời gian thực hiện chương trình phổ thông mới. Một năm nữa sẽ có thêm thời gian cho cả địa phương và Bộ Giáo dục- Đào tạo trong việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mới.

Nếu được Quốc hội thông qua thì chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được thực hiện từ năm học 2019 - 2020 thay vì năm học 2018 - 2019 như Nghị quyết 88 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc lùi thời gian thực hiện chương trình thêm 1 năm là để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc biên soạn, thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới cũng như các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất - kỹ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông mới...

Theo Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, các địa phương phản ánh là việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đầy đủ. Vì vậy cần tạo điều kiện để địa phương để họ chuẩn bị kỹ hơn.

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, hiện nay, hầu hết các trường đang gấp rút hoàn thiện điều kiện về cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Đồng thời, đội ngũ giáo viên cũng sẽ được tích lũy kỹ năng sư phạm và phương pháp dạy học mới.

Về đội ngũ giáo viên, GS Nguyễn Minh Thuyết đã khẳng định là nhân tố quan trọng nhất. Ông chia sẻ: Chúng tôi, những người làm chương trình có thể cố gắng hết sức để xây dựng một chương trình kế thừa những điểm tốt nhất từ các chương trình đã có ở Việt Nam và tiếp thu những điểm tốt nhất từ chương trình các nước có nền giáo dục phát triển, nhưng người quyết định sự thành công của chương trình là giáo viên. Điều đáng ngại nhất là giáo viên có sẵn sàng đổi mới không. Đổi mới thì học sinh và xã hội có lợi, nhưng giáo viên sẽ vất vả hơn. Vì vậy, phải làm sao để gợi được cảm hứng và tạo được động lực cho thầy cô.

Ngoài ra, điều kiện vật chất, cơ sở trường lớp cũng là một trong những khó khăn lớn hiện nay khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ông Bùi Văn Đường - Hiệu trưởng Trường THPT Công nghiệp, tỉnh Hòa Bình cho biết: Nhà trường có phần khó khăn, như cơ sở vật chất cần phải cải tạo, nâng cấp nhiều. Đội ngũ giáo viên nhìn chung đã đủ theo cơ số của các bộ môn, theo đầu lớp, đảm bảo trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Tuy nhiên, việc áp dụng cho chương trình mới thì đòi hỏi phải có thời gian cho giáo viên, cán bộ quản lý tiếp cận dần.

Nếu theo lộ trình cũ, từ nay đến thời điểm triển khai chương trình, sách giáo khoa mới chỉ còn 11 tháng. GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, cần có thời gian để thẩm định chất lượng sách giáo khoa mới và tổ chức dạy thí điểm, thực nghiệm theo chương trình này. “Nếu không lùi thời điểm thực hiện thì chỉ còn có 11 tháng, quá gấp để thực hiện cùng lúc nhiều việc như vậy”, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho biết.

Cùng qua điểm, GS.TSKH Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Việc viết sách giáo khoa phải được chuẩn bị kỹ. Lùi thời gian để đảm bảo chất lượng biên soạn là cần thiết. Sách giáo khoa là điều quan trọng phải được đặt lên hàng đầu.

Lê Thành