Không chủ quan với
Tỷ lệ mắc và tử vong của trẻ em Việt Nam nhiễm trùng hô cấp rất cao, trung bình mỗi trẻ mắc 5-7 lần/năm và có đến 63,6% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu sắt.
Ảnh minh họa.
Theo PGS TS Đào Minh Tuấn- trưởng khoa Hô hấp- Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, nhiễm trùng hô hấp cấp là bệnh lý thường gặp ở trẻ em.
Nước ta là nước nhiệt đới gió mùa, khí hậu nóng ẩm, thời tiết hay thay đổi, kèm theo ô nhiễm môi trường do sự phát triển của công nghiệp, đây là những lý do khiến cho tỉ lệ mắc bệnh đường hô hấp ngày càng tăng.
Nhiễm trùng hô hấp là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh và tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng hô cấp rất cao, trung bình mỗi trẻ mắc 5-7 lần nhiễm hô hấp cấp/năm…căn nguyên của nhiễm trùng hô hấp ở trẻ em chủ yếu là do kháng virus không cần sử dụng đến kháng sinh và tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng.
Theo TS.BS Trần Anh Tuấn- phó chủ tịch Hội Hô hấp TP HCM, trong số các bệnh về đường hô hấp gồm viêm hô hấp trên như viêm nhiễm vùng tai - mũi - họng; viêm hô hấp dưới gồm viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… thì bệnh viêm phổi cần sớm được phát hiện, điều trị, tránh biến chứng và tử vong.
Số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, viêm phổi vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi không chỉ tại Việt Nam mà ở cả các nước đang phát triển.
Ước tính có khoảng 2.500 trẻ tử vong do viêm phổi mỗi ngày, cứ mỗi 35 giây sẽ có một trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới.
Tại hội thảo Những tiến bộ mới trong phòng ngừa và điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em do BV Nhi Trung ương tổ chức ngày 8/10, GS Wojciech Feleszko (khoa Hô hấp và dị ứng nhi, BV và Đại học Y Warsaw, Ba Lan) thông tin: Trẻ em vốn rất nhạy cảm với các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng hô hấp cấp như các tiếp xúc với các tác nhân vi sinh vật gây bệnh, ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết… do hệ thống miễn dịch của các em chưa trưởng thành.
Trẻ em khỏe mạnh cũng có nguy cơ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tái đi tái lại, dẫn đến phải sử dụng kháng sinh quá mức gây nên tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.
Đồng quan điểm, PGS TS Đào Minh Tuấn cho biết: Đột phá và tiến bộ lớn nhất trong kỷ nguyên hiện nay chính là phương pháp tăng cường hệ miễn dịch, áp dụng cho nhiễm trùng hô hấp, đặc biệt ở trẻ em.
Một vấn đề cũng rất được quan tâm hiện nay là thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ em. Theo WHO, hiện có khoảng 30% dân số thế giới bị thiếu máu, chủ yếu là thiếu máu do thiếu sắt.
Trong đó, Việt Nam nằm trong vùng có tỉ lệ thiếu máu do thiếu sắt cao, nên cần có liệu pháp dự phòng đại trà. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2015, có đến 63,6% trẻ em dưới 5 tuổi mắc phải tình trạng này.
Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu về sắt của cơ thể. Vì vậy, cần bổ sung vào khẩu phần ăn những thức ăn giàu sắt như thịt, cá, gan, trứng, đậu đỗ, rau xanh và dùng kèm trái cây tươi giàu vitamin C để sắt được hấp thu tốt hơn.