Tạo cú hích cho ngành công nghiệp không khói
Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây sẽ là cú hích cho ngành công nghiệp không khói. Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn nhiều ý kiến đề nghị cần áp dụng công nghệ số, thực hiện các giải pháp thông minh để đạt được những mục tiêu đề ra.
Du khách quốc tế đến miền núi phía Bắc.
“Mở cửa bầu trời” để phát triển du lịch
Chương trình hành động của Chính phủ nêu rất rõ các giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này. Theo đó sẽ tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết 08-NQ/TW đến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các quan điểm mới của Đảng về bản chất ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá cao, mang nội dung văn hoá sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Sẽ cơ cấu lại ngành du lịch bằng việc xây dựng và triển khai Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới vận hành theo quy luật kinh tế thị trường. Các địa phương có tiềm năng, lợi thế lớn về phát triển du lịch xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch của địa phương cũng như rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch.
Địa phương có tiềm năng về du lịch phải chú trọng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch cũng như bổ sung, hoàn thiện công tác thống kê du lịch để xác định rõ vị trí ngành du lịch trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân và của các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch.
Không chỉ “nới” về cơ chế chính sách, mà khoản ngân sách dành cho ngành du lịch cũng phải tăng lên. Theo đó, chương trình hành động cũng nêu rõ: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng tại các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch; xây dựng, rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển và đường thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch.
Xây dựng các đề án, dự án cải thiện chất lượng dịch vụ, hạ tầng đường sắt, cảng biển, cảng thủy nội địa chuyên dùng phục vụ du lịch; đầu tư xây dựng các điểm dừng nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ; bảo đảm an toàn giao thông; tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch.
Thực hiện thương quyền 5 về vận tải hàng không (quyền nhận hành khách, hàng hoá, thư tín từ nước thứ hai để chở đến nước thứ ba và quyền nhận hành khách, hàng hoá, thư tín từ nước thứ ba để chở đến nước thứ hai) và chính sách “mở cửa bầu trời”, tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới kết nối Việt Nam với thị trường nguồn khách du lịch.
Đồng thời giải quyết các điểm nghẽn và tình trạng quá tải tại các cảng hàng không cũng như khuyến khích đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn du lịch trọng điểm.
Tăng sức cạnh tranh, giữ chân du khách
Du lịch Việt Nam sẽ ngày càng thu hút du khách nếu chúng ta dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành công nghiệp này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nói. Tuy nhiên, để giữ chân du khách, theo ông Tuấn chất lượng dịch vụ phải được đặt lên hàng đầu. Chất lượng dịch vụ chỉ tăng lên khi chúng ta áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành. Tại Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cả cơ hội và thách thức cho ngành du lịch. Thị trường du lịch Việt Nam đã có nhiều thay đổi do sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng nhanh của kinh doanh du lịch online. Thực tế này buộc các thành phần trong ngành du lịch phải tiến hành chuyển đối số, hướng tới hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ du lịch Việt Nam.
Tận dụng những lợi ích của cách mạng 4.0, ngành du lịch đang hướng tới cá nhân hóa tiêu dùng của du khách. Ông Nguyễn Văn Tuấn nêu ví dụ, trước đây, tiêu dùng du lịch được triển khai ở nhiều dạng, chủ yếu thông qua các công ty lữ hành, tổ chức kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tại mỗi người có thể tự quyết định việc tiêu dùng của mình như chủ động đặt vé máy bay, khách sạn, làm visa cũng như tự quyết định lịch trình. Như vậy, khi có công nghệ hỗ trợ, ngành du lịch sẽ kết nối liên tục, tạo thuận lợi để du khách tự tìm kiếm thông tin, bố trí lịch đi và đến hợp lý, ở lại lâu hơn, mua sắm nhiều hơn. Trước áp lực về chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp du lịch đang thực hiện triển khai các ứng dụng thông minh để tăng sức cạnh tranh và giữ chân du khách.
Phó giám đốc điều hành Công ty PYS Travel Trịnh Đình Minh cho biết, PYS Travel đang triển khai xây dựng hệ thống quản lý khách hàng đồng bộ, nghĩa là thông tin liên quan đến mỗi khách hàng sẽ được lưu lại trên một hệ thống. Mọi nhân viên có thể truy cập hệ thống này để biết về nhu cầu, sở thích, thói quen của khách hàng, từ đó có thể phục vụ tốt hơn. Du khách hài lòng tiếp tục quay trở lại, đó là nhiệm vụ mà các công ty lữ hành cũng như ngành du lịch Việt Nam nếu muốn phát triển.