Cử tri đề nghị xử nghiêm cán bộ vi phạm dù đã nghỉ hưu hay chuyển công tác
Chiều 11/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.
Tham nhũng ít bị xử lý hình sự
Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2396 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cho biết: Cử tri và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hoạt động giám sát của Quốc hội, đánh giá cao việc Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng khá, kiểm soát lạm phát đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút khách quốc tế, đầu tư nước ngoài. Cử tri và nhân dân cũng thể hiện sự tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc quyết liệt đấu tranh phòng, chống chống tham nhũng, lãng phí, đã xét xử nghiêm các đối tượng liên quan trong các vụ án tham nhũng, thất thoát tài sản lớn của Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, cử tri và nhân dân phản ánh việc phát hiện tham nhũng chưa kịp thời, công tác tự kiểm tra, thanh tra chưa thực sự hiệu quả; hành vi tham nhũng tuy đã bị xử lý hành chính, kỷ luật nhưng ít bị xử lý hình sự. Một số dự án lớn đầu tư thua lỗ, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước nhưng chưa có phương án giải quyết và xử lý kịp thời, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng thấp. Việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hạn chế.
“Cử tri và nhân dân rất bức xúc về tình trạng lợi dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ. Việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu và không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương” - Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nêu rõ.
Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, cử tri và nhân dân đề nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước ở các cấp, các ngành quyết tâm hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện “suy thoái”, có hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu hay chuyển công tác. Xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm, đồng thời công khai kết quả giải quyết cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân biết để giám sát.
Ngoài những vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nêu rõ: Cử tri và nhân dân còn quan tâm phản ánh về tình trạng lạm quyền, quan liêu và thái độ thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức ở một số cơ quan, địa phương. Hiện tượng người dân vẫn phải “lót tay” để giải quyết công việc, thủ tục hành chính, còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành. Tình trạng nhiều doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tuyển dụng đối với lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động nữ cũng đang gây nguy cơ bất ổn trong xã hội.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh phát biểu.
Quyết liệt tinh giản biên chế
Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương 5 kiến nghị. Trong đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII).
Xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, lãng phí để xảy ra thua lỗ, thất thoát vốn của Nhà nước. Quan tâm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là việc sửa đổi các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong quản lý, thực thi nhiệm vụ. Công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, tạo cơ chế để phát huy tích cực vai trò của báo chí và nhân dân thực hiện giám sát.
“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc tinh giản bộ máy, giảm đầu mối, đơn vị và thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm túc việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công. Thực hiện tổng rà soát công tác cán bộ, tập trung vào việc rà soát về tiêu chuẩn, chứng chỉ, bằng cấp và việc tuân thủ quy trình bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành. Triển khai nghiêm túc việc tuyển dụng cán bộ, công chức. Đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định” - Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho hay.
Phản ánh đầy đủ tâm tư nguyện vọng của cử tri
Đó là nhận định được Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đưa ra khi nhận xét về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Mặt trận.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, báo cáo của Mặt trận đã tổng hợp khá đầy đủ, phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri gửi tới Quốc hội. Cho nên cần có những nhận xét, lời bình của Mặt trận là cơ quan giám sát và phản biện đối với các quá trình hoạch định chính sách, thực thi chính sách và pháp luật. Nhất là việc thực thi của cơ quan công quyền, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để có thể nhận xét cho toàn diện.
Đánh giá cao báo cáo của Mặt trận, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, báo cáo kiến nghị cử tri là báo cáo quan trọng. Cử tri và nhân dân luôn theo dõi xem đã phản ánh trung thực ý kiến của nhân dân hay chưa? và đây chính là báo cáo phản ánh lòng dân, là bức tranh tổng thể đánh giá nhân dân về những lĩnh vực.
Do vậy theo ông Chiến, làm sao phân tích được số lượng ý kiến về từng lĩnh vực nào? bao nhiêu ý kiến? ở địa phương, vùng miền về sự hài lòng và chưa hài lòng của cử tri. Qua đó so sánh với từng kỳ họp để thấy sự chuyển biến. Từ đó giúp cho Quốc hội, Chính phủ đánh giá được lĩnh vực tốt - xấu thế nào để còn giám sát, chất vấn.
Giải trình trước các ý kiến đặt ra, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Mặt trận sẽ ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các Phó Chủ tịch và các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hiện mới có 5/63 đoàn ĐBQH gửi báo cáo về Mặt trận, còn lại ý kiến lấy nguồn từ các tổ chức thành viên của Mặt trận, và MTTQ các tỉnh, thành gửi lên. Phần lời bình và nhận xét đánh giá của Mặt trận sẽ được Mặt trận ghi nhận và có đánh giá nhận xét trong tổng hợp ý kiến theo bình diện chung”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu.
Kết luận phiên họp, đánh giáo cao Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Mặt trận đã đầy đủ, phát huy tinh thần trách nhiệm, có số liệu dẫn chứng rõ ràng toàn diện và đề xuất cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: “Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với báo cáo của Mặt trận. Đây là vấn đề lớn của xã hội và nhân dân quan tâm, trong đó nhiều nội dung sẽ được Quốc hội thảo luận. Do đó đề nghị Mặt trận cần rà soát phối hợp với Mặt trận các địa phương trong cả nước để tập hợp đầy đủ, cần khai thác báo cáo của MTTQ các tỉnh, thành phố để nêu rõ từng lĩnh vực, địa bàn xem lĩnh vực nào kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được xử lý? Đồng thời đánh giá thêm về những vấn đề mang tính cấp thiết như: nợ công, phòng chống tham nhũng, công tác cán bộ”.
Tán thành với 5 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi đến kỳ họp, Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ yêu cầu báo cáo cần bám sát ý kiến của cử tri nhân dân, cũng như làm rõ kiến nghị nào là mới? kiến nghị nào là nhiều lần nhưng chưa thực hiện?
Quang cảnh phiên họp Ủy Ban Thường vụ lần thứ 15.