Sau trì hoãn tuyên bố độc lập của Catalan: Tây Ban Nha chia rẽ sâu sắc
Ngoại trưởng Tây Ban Nha trong hôm 11/10 đã cáo buộc lãnh đạo xứ Catalan Carles Puigdemont là “lừa đảo” sau khi ông này tạm ngừng tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, đồng thời cảnh báo rằng hành động trên có thể gây ra tình trạng bất ổn kinh tế và xã hội.
Lãnh đạo Catalan Carles Puigdemont phát biểu trước Nghị viện về việc hoãn tuyên bố độc lập (Nguồn: Reuters).
Bài phát biểu đầy kịch tính của ông Puigdemont trước Nghị viện Catalonia, đặt tại thành phố Barcelona, “rõ ràng là lừa đảo, một lần nữa, những thủ đoạn của họ nhằm đạt được nhiều thứ theo cả hai cách”- Ngoại trưởng Tây Ban Nha Alfonso Dastis phát biểu với kênh phát thanh Europe 1 của Pháp.
“Ông ta đang làm điều mà ông ấy luôn làm, đó là đi theo con đường dẫn tới một tình trạng mà chúng tôi không mong muốn xảy ra ở Catalonia, xét về mặt kinh tế và xã hội” - ông Dastis nói.
“Ông ấy nói rằng đã chiến thắng, cho rằng họ có quyền tách ra để độc lập sau kết quả cái gọi là trưng cầu dân ý hôm 1/10, sau đó lại yêu cầu Nghị viện ngừng tuyên bố độc lập. Đó là cách ứng xử rất sốc đối với Nghị viện của họ” - ông Dastis nhấn mạnh.
Giới lãnh đạo Catalonia đã ký một tuyên bố độc lập nhằm tách khỏi Tây Ban Nha vào rạng sáng 11/10 nhưng ngay sau đó lại tạm hoãn ra quyết định và kêu gọi đối thoại với chính quyền trung ương ở Madrid về cuộc khủng hoảng chính trị được cho là tồi tệ nhất trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Trong bản tuyên bố độc lập, ông Puigdemont kêu gọi “tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế công nhận Nhà nước Cộng hòa Catalonia là một quốc gia độc lập có chủ quyền, đồng thời kêu gọi chính quyền Catalonia thực thi tất cả các biện pháp cần thiết để bản tuyên bố này trở thành hiện thực và có hiệu lực hoàn toàn”.
Catalonia là một trong những khu vực thịnh vượng nhất tại Tây Ban Nha, thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều công ty đã thông báo kế hoạch chuyển trụ sở khỏi Catalonia sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở khu vực này.
Cũng trong bài phát biểu trước giới lập pháp ở Barcelona thu hút được cả sự hoan nghênh cùng lời chỉ trích, lãnh đạo xứ Catalan Puigdemont đã nói rằng ông đã chấp nhận “sự ủy thác của người dân Catalonia để trở thành một nước cộng hòa độc lập”, nối tiếp sau cuộc trưng cầu gây tranh cãi tổ chức hôm 1/10 vừa qua.
Tuy nhiên, sau đó, nhà lãnh đạo 54 tuổi này lại yêu cầu Nghị viện Catalonia “ngừng các hiệu lực của tuyên bố độc lập để khởi động các vòng đối thoại sẽ diễn ra trong vài tuần tới”.
Ngay sau khi nhận được thông tin nói trên, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã lập tức tổ chức một cuộc họp khẩn Nội các.
Ông Rajoy từng đưa ra quan điểm hết sức cứng rắn với phong trào độc lập xứ Catalan, tuyên bố sẽ sử dụng mọi biện pháp trong quyền lực của mình để ngăn chặn điều này và cũng không loại trừ khả năng áp đặt luật lệ trực tiếp đối với khu vực bán tự trị này.
Ngoại trưởng Dastis nói rằng chính quyền Madrid “luôn nói rằng có những thứ có thể đàm phán được trong khuôn khổ Hiến pháp”, tuy nhiên ông thêm rằng “việc Catalonia đang ra quyết định cho toàn thể Tây Ban Nha là điều bất khả thi”.
Hiện nay, các quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) đang quan sát kỹ lưỡng các diễn biến xảy ra tại Tây Ban Nha do lo ngại rằng việc xứ Catalan yêu cầu độc lập tách ra khỏi chính quyền Madrid có thể gây sức ép nhiều hơn đối với khối này, vốn đang chật vật xoay xở với ảnh hưởng từ sự kiện Brexit - Anh rời khỏi EU.
Điều khiến EU lo sợ nhất chính là tương lai của khu vực gồm 7,5 triệu dân vốn được xem là thủ phủ kinh tế của Tây Ban Nha. Trong trường hợp khu bán tự trị này tách khỏi Tây Ban Nha, nó hoàn toàn có khả năng gây ảnh hưởng tới sự ổn định của toàn thể EU. Trước đó, Chủ tịch EU Donald Tusk đã thúc giục ông Puigdemont không đưa ra quyết định khiến cho việc đối thoại trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, lãnh đạo xứ Catalan nói rằng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về việc độc lập, bất chấp việc bị tòa án Tây Ban Nha coi là phi pháp, đã chứng minh rằng người dân ủng hộ tách khỏi Madrid.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy người dân Catalonia vẫn chia rẽ về vấn đề ly khai. Điều khiến cho làn sóng biểu tình ở Barcelona diễn ra rầm rộ như vậy là do chính quyền Madrid đã có những hành động quá cứng rắn để ngăn chặn việc bỏ phiếu diễn ra.
Các chính trị gia Catalonia ủng hộ bỏ phiếu đã bị bắt và bị phạt tiền. Bộ Quốc phòng đã được triển khai để phong tỏa khu vực bỏ phiếu, và một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ cảnh báo người dân không nên bỏ phiếu.
Tuy nhiên, rất nhiều cử tri của xứ Catalan vẫn tham gia cuộc trưng cầu gây tranh cãi này. Catalonia tuyên bố kết quả bỏ phiếu cho thấy 90% trong số 2,26 triệu người bỏ phiếu ủng hộ việc tách khỏi Tây Ban Nha. Tuy nhiên, người đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý chỉ chiếm 42% tổng số cử tri đủ điều kiện.