Giải 'bài toán' bạo lực học đường

Thu Hương 12/10/2017 08:45

Lý giải một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực học đường diễn ra ngày càng nghiêm trọng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng do nội dung chương trình giáo dục đạo đức - công dân hiện nay có phần còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn.

Ảnh minh họa.

Không thể tách rời vai trò gia đình - nhà trường - xã hội

Theo ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, vấn nạn bạo lực học đường hiện nay không chỉ là chuyện giữa học sinh với nhau mà đáng ngại hơn, nó còn “lan” sang cả phụ huynh và giáo viên.

Nếu lý giải con trẻ nông nổi, thiếu năng lực kiểm soát hành vi của mình thì việc phụ huynh kéo đến trường đánh cô giáo giữa lớp, dưới sự chứng kiến của bao cặp mắt non nớt sẽ là tấm gương giáo dục thế nào đây?

Tuy nhiên, cũng cần đặt vấn nạn này trong bối cảnh gần đây hiện tượng bạo lực nói chung trong xã hội có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh đó, trước đây việc học sinh đánh nhau dường như chúng ta không để ý, không thông tin.

Nhưng hiện nay, do sự phát triển của thông tin đại chúng, chuyện học sinh đánh nhau dễ bị ghi nhận, thông tin được đưa lên mạng xã hội làm dư luận chú ý.

Chẳng hạn, thay vì truyền miệng trong phạm vi một nhóm người, một địa bàn thì việc ghi hình rồi đăng tải trên mạng xã hội khiến cả nước biết đến những hành vi này.

Nói về nguyên nhân của tình trạng này, nhiều chuyên gia đã phân tích, trong đó vai trò của gia đình - nhà trường - xã hội là không thể tách rời. Với riêng nhà trường, cần tăng cường giáo dục đạo đức, sự kết nối, lan tỏa yêu thương.

Đối với các vụ việc xảy ra trong chính lớp học, cần có sự can thiệp hợp lý càng sớm càng tốt từ phía giáo viên, ban giám hiệu trong trường.

Với những vụ việc xảy ra trong phạm vi ngoài nhà trường nhưng học sinh của mình có tham dự, thông qua nhiều nguồn tin, thậm chí là kết nối với học trò trên facebook mà giáo viên có thể biết và ngăn chặn để hạn chế bạo lực xảy ra.

Tăng cường giáo dục đạo đức trong nhà trường

Trong khi đó, theo lý giải của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, một trong những nguyên nhân quan trọng là từ giáo dục trong nhà trường như nội dung chương trình giáo dục đạo đức - công dân có phần còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và việc ứng xử với những tình huống cụ thể, phương pháp giảng dạy còn chậm được đổi mới, chưa cuốn hút học sinh.

Phương thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa chưa phù hợp, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm để giúp học sinh nhận thức được các bài học về giá trị của lòng nhân ái, bao dung, giá trị của sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân, nhận diện và lên án các hành vi bạo lực...

Khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã chủ động triển khai đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy môn học Giáo dục công dân, môn học đạo đức.

Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò của môn Giáo dục công dân khi đưa thành môn thi tốt nghiệp THPT trong năm 2017.

Sắp tới, trong chương trình và sách giáo khoa mới, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục giá trị sống thông qua giảng dạy tích hợp vào các môn học, thông qua việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, đẩy mạnh triển khai công tác tham vấn, tư vấn tâm lý học đường.

Cụ thể, môn Đạo đức (trong Dự thảo cũ là môn Giáo dục Lối sống) ở các lớp tiểu học và môn Giáo dục Công dân ở cấp THCS có thời lượng là 35 tiết/năm.

Trước đó, ở dự thảo cũ, số tiết học của những môn này đa số đều nhiều hơn nhưng khi chính thức được thông qua thì đều giảm tải.

Tuy nhiên, theo lý giải của Ban soạn thảo chương trình, hoạt động trải nghiệm vẫn được giữ nguyên với việc thiết kế thành các chủ đề, học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Đây là cơ hội để nhà trường đưa những nội dung giáo dục lối sống, cách ứng xử đúng đắn khi xảy ra mâu thuẫn… để học sinh trải nghiệm thực tế.

Nếu như coi các môn Đạo Đức, Giáo dục công dân là học lý thuyết (mặc dù trong yêu cầu của những môn học này rất chú trọng đưa ra các tình huống, phân tích để học sinh lựa chọn đúng) thì hoạt động trải nghiệm chính là giờ thực hành tốt nhất trong nhà trường để bù đắp, nâng cao những năng lực giải quyết vấn đề, hợp tác, giao tiếp… các em còn thiếu hụt.

Liên quan đến vụ nữ sinh lớp 7 (trường THCS Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị đánh trên bục giảng và bị ghi hình, đăng tải trên mạng xã hội những ngày vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ, Hà Nội vừa có báo cáo về Sở GD&ĐT Hà Nội. Nguyên nhân xảy ra sự việc, bước đầu nhà trường xác định là do mâu thuẫn cá nhân.

Công an huyện Chương Mỹ cũng đã về điều tra sự việc và kết luận, học sinh H.T.T, lớp 7D trường THCS Trường Yên bị một nhóm học sinh cùng trường đánh tại phòng học lớp 7A vào lúc 11h45 sau giờ sinh hoạt lớp ngày thứ Bảy (7/10/2017).

Nhóm học sinh đánh em H.T.T gồm 5 em. Ngoài ra, còn có em N.T.T, lớp 8C đã thực hiện quay clip về vụ việc này rồi đưa lên mạng xã hội lúc 14h ngày 8/10/2017.

Sau khi xảy ra sự việc, Trường THCS Trường Yên đã báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, gặp gỡ các gia đình để hòa giải.

Đồng thời, nhà trường đưa học sinh bị đánh đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ. Kết luận của bệnh viện cho thấy, học sinh không có ảnh hưởng gì và đã đi học bình thường.

Thu Hương