Cảnh sát Philippines bị rút khỏi cuộc chiến chống ma túy
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra chỉ thị cho lực lượng cảnh sát nước này chấm dứt tất cả các chiến dịch trong cuộc chiến chống ma túy đẫm máu mà ông thực hiện, sau khi chiến dịch kéo dài 15 tháng này khiến hàng nghìn người thiệt mạng, gồm nghi phạm ma túy và cả thường dân.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố rút cảnh sát khỏi chiến dịch chống ma túy. (Nguồn: Reuters).
Văn phòng Tổng thống Philippines trong hôm 12/10 đã công bố một biên bản ghi nhớ trong đó chỉ thị cho lực lượng cảnh sát, quân đội cùng các cơ quan nhà nước khác phải ngừng tất cả các chiến dịch, chuyển giao lại cho Cơ quan Chống Ma túy Philippines (PDEA), truyền thông nước này cho hay.
Được biết, lực lượng gồm 1.800 nhân viên của PDEA chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số 160.000 cảnh sát trên toàn đất nước Philippines, có nghĩa rằng chỉ thị mới có thể làm giảm đáng kể các vụ giết hại không qua xét xử vốn gây tranh cãi kịch liệt ở nước này suốt thời gian qua.
Tuyên bố mà văn phòng Tổng thống đưa ra không nêu rõ lý do tại sao ông Duterte, người có biệt danh là "Người trừng phạt" vì biện pháp chống tội phạm ma túy cực kỳ cứng rắn, lại đưa ra sự thay đổi này.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh sự ủng hộ từ dư luận trong nước đối với các chiến dịch chống tội phạm ma túy trên toàn quốc đang giảm dần. Chiến dịch này đã chứng kiến trên 3.900 "nghi phạm ma túy" bị tiêu diệt kể từ khi bắt đầu vào hồi tháng 7 năm ngoái, tuy nhiên các nhà hoạt động cho rằng những kẻ bị tiêu diệt không phải những kẻ trùm ma túy mà chỉ là những người bán lẻ hoặc bị tình nghi sử dụng ma túy.
Hơn 2.000 người khác cũng bị chết trong các vụ án liên quan tới ma túy và hàng nghìn người khác thiệt mạng trong những tính huống chưa có lời giải thích, theo dữ liệu của cảnh sát Philippines.
Đây không phải lần đầu tiên mà lãnh đạo Philippines yêu cầu lực lượng cảnh sát ra khỏi cuộc chiến chống ma túy. Ông Duterte từng có lần ngừng hoạt động của lực lượng cảnh sát trong chiến dịch chống ma túy vào hồi cuối tháng 1 năm nay nhằm thanh lọc một lực lượng mà ông gọi là "mục ruỗng đến tận lõi", nhưng sau đó đã rút lại quyết định này 5 tuần lễ sau đó.
Biên bản ghi nhớ được Tổng thống Duterte ký kết hôm 10-10 chỉ thị cho các quan chức "luôn luôn duy trì lực lượng cảnh sát, như một lực lượng chống lại các hành vi phạm tội". Mục đích của nó là nhằm "mang lại trật tự cho chiến dịch chống lại tội phạm ma túy", tuyên bố trên nêu rõ.
Vị lãnh đạo có quan điểm cực kỳ cứng rắn của Philippines từng bác bỏ mọi lời chỉ trích nhằm vào ông, cho rằng ông "sẽ vui vẻ khi tiêu diệt" hàng triệu người nghiện ma túy, bất chấp thực tế có nhiều nạn nhân của cuộc chiến chống ma túy là trẻ em.
Mới đây nhất, vụ sát hại một sinh viên 17 tuổi xảy ra hồi tháng 8 vừa qua đã làm dấy lên làn sóng phản đối trên toàn quốc và khiến chính phủ phải mở nhiều cuộc điều tra để tìm ra nguyên nhân đằng sau. Cũng giống như nhiều vụ nổ súng khác ở nước này, cảnh sát tuyên bố rằng họ chỉ đưa ra hành động tự vệ sau khi thanh niên nọ cố tình phản kháng. Nhưng trong vụ việc này, một đoạn video mà camera an ninh ghi lại đã cho thấy thanh niên trên bị bắt trước khi chết.
Một cuộc thăm dò dư luận công bố hồi cuối tuần trước cho thấy tỷ lệ người dân ủng hộ Tổng thống Duterte đã giảm mạnh, mặc dù các ý kiến liên quan đến tính cách của ông vẫn duy trì ở mức tích cực. Vị cựu Thị trưởng này từ trước đến nay vẫn duy trì được sự ủng hộ rộng rãi của người dân trong nước.
Trong khi đó, sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế lại rất xáo trộn. Liên minh châu Âu (EU) trước đây từng chỉ ra "các báo cáo đáng tin" rằng cảnh sát Philippines đã làm giả bằng chứng để biện minh cho các vụ giết người không qua xét xử của họ.
Dưới thời chính quyền Barack Obama của Mỹ, mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines cũng đã trở nên hết sức lạnh nhạt sau khi Tổng thống Duterte có lời lẽ xúc phạm cá nhân lãnh đạo Mỹ, tiếp theo đó là vô vàn tranh cãi về vấn đề nhân quyền ở Philippines.
Kể từ đó, chính quyền Manila ngày càng có xu hướng xích lại gần Bắc Kinh và Moscow hơn. Hôm 11/10, Tổng thống Duterte tuyên bố rằng Nga đang cung cấp 5.000 khẩu súng trường AK cho Philippines, được xem là chuyến hàng vũ khí đầu tiên mà Nga chuyển cho nước này.
Trước đó, phía Trung Quốc hỗ trợ Philippines khoảng 6.000 khẩu súng cùng hàng nghìn băng đạn dược hồi đầu năm để phục vụ cho cuộc chiến chống ma túy mà ông Duterte khởi xướng.
Đến thời kỳ Tổng thống My Donald Trump cầm quyền, ông Trump đã đi ngược lại quan điểm của chính quyền cũ, hoan nghênh ông Duterte vì đã thực hiện "một công việc khó tin" - cuộc chiến chống ma túy.