Việt Nam-Mỹ: Tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 12/10, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam và Mỹ đang Tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
“Các chuyến thăm song phương đang được thu xếp, khi nào có thông tin chính thức chúng tôi sẽ thông báo”, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Nói về Tuần lễ cấp cao APEC sẽ diễn ra vào đầu tháng 11 này, bà Hằng cho biết, đây là hoạt động cuối cùng và quan trọng nhất trong năm APEC 2017.
Theo bà Hằng, trong vai trò chủ nhà, Việt Nam nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thành công của tuần lễ cấp cao.
Hiện nay công tác chuẩn bị tại các khách sạn, trung tâm hội nghị, trung tâm báo chí đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho các hoạt động và các cuộc họp, cũng như đón tiếp các đại biểu và báo chí.
Để bảo đảm cho các hoạt động của Tuần lễ cấp cao diễn ra thông suốt, trang trọng, đáp ứng theo các tiêu chuẩn và thông lệ của APEC; có hiệu quả nhưng tiết kiệm tối đa, cách đây vài ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chủ trì buổi sơ duyệt lễ tân, y tế, hậu cần, vệ sinh an toàn thực phẩm…để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà lãnh đạo, đại biểu, các vị khách, báo chí, các tổ chức và cá nhân tham gia Tuần lễ cấp cao.
Về lịch trình của ông Tổng thống Mỹ Donald Trump khi sang Việt Nam dự APEC ra sao? Bao nhiêu lãnh đạo các nền kinh tế xác nhận tham dự APEC? Tổng thống Donald Trump có ra Hà Nội thăm chính thức Việt Nam không? Lãnh đạo của những nước nào thăm chính thức Việt Nam nhân dịp này?
Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: Hiện nay chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang được hai bên tích cực chuẩn bị và sẽ thông báo vào thời điểm thích hợp.
Về lãnh đạo các nền kinh tế khác, bà Hằng thông tin: Cho đến nay hầu hết lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã xác nhận sẽ dự tuần lễ cấp cao. Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao sẽ có một số chuyến thăm của lãnh đạo các nền kinh tế.
“Việt Nam đang cùng các nền kinh tế thành viên thu xếp để đón tiếp trọng thị lãnh đạo các nền kinh tế dự Tuần lễ cấp cao. Các chuyến thăm song phương đang được thu xếp, khi nào có thông tin chính thức chúng tôi sẽ thông báo”, bà Hằng nhấn mạnh.
Về việc, ngày 10/10, có thông tin tàu khu trục của Mỹ di chuyển đến gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông, vậy phản ứng của Việt Nam về vấn đề này như thế nào?
Bà Lê Thu Hằng trả lời: Với tư cách là quốc gia có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và là thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam đã nhiều lần khẳng định lập trường nhất quán của mình.
Theo đó, tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
“Việt Nam tiếp tục đề nghị các quốc gia có đóng góp xây dựng và tích cực trên cơ sở luật pháp quốc tế vào việc duy trì hòa bình ổn định và thượng tôn pháp luật ở trên Biển Đông”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Về câu hỏi, gần đây Việt Nam có ghi nhận dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc đang gia tăng hoạt động hải quân quanh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa?
Người Phát ngôn khẳng định: Lập trường nhất quán và kiên định của Việt Nam là có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tất cả các hoạt động không được sự cho phép của Việt Nam đều bất hợp pháp và không có giá trị.
Trước câu hỏi “Việt Nam đã có phản ứng thế nào trước thông tin Campuchia chuẩn bị tịch thu giấy tờ tùy thân “cấp sai hoặc không đúng quy định” cho 70.000 cá nhân, phần lớn là người gốc Việt sinh ra ở Campuchia?
Bà Hằng cho biết: Chính quyền Campuchia có kế hoạch xem xét lại việc giấy tờ cho ngoại kiều ở Campuchia, trong đó có người Việt Nam.
Theo bà Hằng, Việt Nam và Campuchia có quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Cộng đồng người Campuchia gốc Việt sinh sống ở Campuchia đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Campuchia cũng như vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Trên tinh thần đó, Việt Nam mong muốn Campuchia tiếp tục tạo điều kiện pháp lý thuận lợi và có biện pháp phù hợp để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người Campuchia gốc Việt, như nêu tại Tuyên bố chung của lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua, phù hợp với luật pháp Campuchia và luật pháp quốc tế.
“Chúng tôi mong rằng trong quá trình hoàn thiện giấy tờ pháp lý của mình, người dân được duy trì cuộc sống ổn định, tiếp tục góp sức vào đời sống kinh tế xã hội của Vương quốc Campuchia, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Về các biện pháp hỗ trợ của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia để giúp người gốc Việt hoàn tất các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật sở tại, bà Hằng thông tin: Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, trong đó có cộng đồng người Campuchia gốc Việt và mong muốn cộng đồng người Campuchia gốc Việt có địa vị pháp lý vững chắc và đảm bảo cuộc sống ổn định.
Trên tinh thần đó, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia đang tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng của Campuchia động viên bà con yên tâm tham gia hoàn thiện các giấy tờ pháp lý của mình.
Đại sứ quán và các Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia đang làm việc với các cơ quan hữu quan của Campuchia để tiếp tục tạo điều kiện pháp lý thuận lợi, có các biện pháp phù hợp đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường, ổn định của mọi người dân.
Vẫn liên quan đến công tác bảo hộ công dân, trước thông tin anh Phan Hồng Sáng quê ở Hà Tĩnh hiện đang du học ở Nhật Bản đã mất tích hơn 8 tháng và Việt Nam sẽ có hành động gì để bảo hộ công dân?
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: Sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản liên hệ ngay với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để xác minh thông tin và sẵn sàng có các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết. Gia đình anh Phan Hồng Sáng có thể liên hệ trực tiếp với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để được hướng dẫn và hỗ trợ.
Trả lời về vụ xét xử Đoàn Thị Hương tại Malaysia sau khi có một số thông tin bất lợi cho Hương?
Bà Hằng khẳng định: Việc xét xử chưa kết thúc. Phía Việt Nam vẫn đang phối hợp với các luật sư và các cơ quan chức năng Malaysia để củng cố lập luận bào chữa cho Hương.
Trả lời về tin cho rằng: Phillippines đã có kết quả điều tra vụ bắn tàu cá Việt Nam, quan điểm của phía Việt Nam?
Người phát ngôn cho biết: Quan điểm của Việt Nam là phải đối xử nhân đạo với ngư dân, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực với ngư dân.
“Chúng tôi yêu cầu Philippines phải khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm, sớm để các ngư dân và tàu 96173 về nước, sớm thông báo cho phía Việt Nam kết quả chính thức, có hình thức xin lỗi và bồi thường thiệt hại về tính mạng và tài sản của các ngư dân. Chúng tôi cũng ghi nhận những hợp tác cho tới nay của Philippines trong vấn đề này”, bà Hằng nói.