Những người lính tiên phong
Chỉ sau hơn một tháng, kể từ ngày Quốc khánh 2/9/1945, nước Việt Nam mới ra đời, nhận thấy vai trò của doanh nhân trong công cuộc kiến thiết đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi giới công thương Việt Nam, ngày 13/10/1945. Trong thư Người viết: “Giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Hôm nay, trong đà tiến mạnh mẽ của đất nước, thì họ- giới doanh nhân chính là “những người lính tiên phong”.
Bắt tay cùng phát triển- đó là đích đến của doanh nghiệp, doanh nhân thời hội nhập.
Trở lại với bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương Việt Nam 72 năm trước, Người khẳng định: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập Công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân”. Kể từ đó, cho tới ngày 20/9/2004, với Quyết định số 990/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Từ đây giới doanh nhân nước nhà thêm cơ hội, điều kiện để đem sức lực, trí lực, tài lực phục vụ công cuộc kiến tạo, dựng xây đất nước. Trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa, vai trò của doanh nhân càng có ý nghĩa lớn lao. Luật Doanh nghiệp 1999 mở đường cho hàng ngàn doanh nghiệp ra đời và dần lớn mạnh. Ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09-NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Càng về sau này, Đảng và Nhà nước càng có thêm nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Cũng cần nhắc lại, tại Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã nêu rõ: “Coi trọng vai trò của các doanh nhân trong phát triển kinh tế- xã hội. Hoàn thiện khung pháp lý chung để các nhà doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất- kinh doanh”. Lần đầu tiên Quốc hội hiến định vị trí, vai trò của doanh nhân (tại Khoản 3, Điều 51 Hiến pháp năm 2013): “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.
Những chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước đã xác định vai trò quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp, giúp giới doanh nhân có thêm niềm tin mãnh liệt để tham gia mạnh mẽ hơn vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội để dựng xây đất nước. Cũng từ đó, vai trò của doanh nhân trong xã hội được đề cao.
Đã có thời, doanh nhân bị coi rẻ, bị nhìn nhận lệch lạc, có khi người ta còn gọi là “gian thương”- cũng có nghĩa là một đối tượng cần phải đề phòng. Suy nghĩ lệch lạc đó đã làm thui chột nhiều thế hệ người làm kinh doanh, đó là điều rất đáng tiếc.
Nhưng thật mừng, cách nghĩ ấy đã qua!
Tại Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển của kinh tế đất nước”, đã khẳng định doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước. Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thổi luồng sinh khí vào cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển. Chính phủ luôn bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Tới nay, nói như giới doanh nhân, Chính phủ đã “mở cửa hết cỡ” để họ góp sức mình ở mức độ cao nhất, trên cơ sở ích nước lợi nhà. Quyền lợi của doanh nhân, doanh nghiệp đi cùng với quyền lợi quốc gia dân tộc. Cho dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng tới nay cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh, đóng góp to lớn vào công cuộc dựng xây đất nước. Đã xuất hiện một số doanh nghiệp lớn, một số doanh nhân mà uy tín, tên tuổi đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, góp phần tạo dựng niềm tự hào thương hiệu Việt Nam.
Đất nước từng tự hào về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước đã xuất hiện biết bao vị tướng thao lược thì nay hy vọng sẽ có được một đội ngũ doanh nhân tài ba. Chương trình khởi nghiệp Chính phủ đề ra đã và đang thu hút sự chú ý của toàn xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Khát vọng được làm việc, làm giàu bằng chính cái tâm, cái tài, bản lĩnh và đồng vốn của mình bỏ ra thôi thúc nhiều người nhập cuộc. Số doanh nghiệp mới ngày một nhiều hơn cho thấy tương lai ngày một sáng của nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy những yếu điểm của đội ngũ doanh nhân, trong đó rõ nhất là việc thiếu đoàn kết, chưa thực sự bắt tay nhau để “cả hai cùng thắng”. Trong quá trình đầu tư sản xuất kinh doanh, thu phục và chiếm lĩnh, mở rộng thị trường, cạnh tranh là điều đương nhiên. Nhưng đó phải là cạnh tranh lành mạnh chứ không phải là tìm cách hạ gục nhau để giành vị trí độc tôn. Đã có không ít trường hợp doanh nghiệp, doanh nhân cay đắng vì bị thất bại, trắng tay do ai đó nấp dưới danh nghĩa cạnh tranh để làm hại. Đó là cách làm ăn không chân chính, cần phải được xử lý bằng pháp luật.
Trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới, việc đoàn kết để tạo được sức mạnh “bơi ra biển lớn” là hết sức cần thiết. Nhưng thực tế chúng ta chưa có được sức mạnh ấy. Sự liên kết lỏng lẻo không làm nên sức mạnh cạnh tranh, không nâng tầm chất lượng cũng như thương hiệu hàng Việt và cũng rất khó vượt qua những rào cản pháp lý của các quốc gia.
... Trong thư gửi giới công thương Việt Nam 72 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định Chính phủ, nhân dân và bản thân Người sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân. Hôm nay, Chính phủ cũng rất tận tâm với doanh nhân, doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nhân cũng cần tận tâm với nước, với dân. Quyền lợi của doanh nhân được ưu tiên nhưng phải đặt trong quyền lợi của dân, của nước. Chỉ có như vậy doanh nhân Việt Nam mới giàu có; đất nước mới có được những tập đoàn kinh tế hùng mạnh.
“Thương trường là chiến trường”- một chiến trường không tiếng súng, không khói lửa nhưng đầy thử thách, gian nan, đòi hỏi tài trí, bản lĩnh và cái tâm của doanh nhân. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, xin được chúc giới doanh nhân thành đạt từ đó cống hiến nhiều hơn cho nước, cho dân; góp sức để đất nước phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế nước nhà.