Những hạt nhân kết nối cộng đồng

Vũ Mạnh 13/10/2017 11:03

Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2014-2017 khai mạc ngày 13/10 là dịp để Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam tôn vinh, ghi nhận những kết quả nổi bật của các Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn và Trưởng Ban công tác Mặt trận tiêu biểu trong toàn quốc.


Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Đây cũng là cơ hội để các cán bộ Mặt trận cơ sở giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để giúp cho công tác Mặt trận ở xã, phường, thị trấn và khu dân cư được thực hiện ngày càng tốt hơn.

“Chưa bao giờ người dân đặt niềm tin, đặt yêu cầu vào Mặt trận như bây giờ. Ở đâu có Mặt trận, ở đâu người dân muốn đóng góp ý kiến thì ở đó hai bên phải gặp nhau” bà Bùi Thị Én - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Khương Đình quận Thanh Xuân dẫn lời nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi chia sẻ kinh nghiệm trong tác tuyên truyền vận động đền bù giải phóng mặt bằng ở địa phương và công tác hòa giải ở cộng đồng dân cư.

Phường Khương Đình vốn là một xã của huyện Thanh Trì trước đây nay thuộc quận Thanh Xuân với 8.300 hộ dân và hơn 28.000 nhân khẩu. Do đặc thù trước đây chuyên sản xuất nông nghiệp nên quỹ đất còn tương đối nhiều, do đó nhiều công trình dự án lớn của Thành phố, quận được xây dựng trên địa bàn… đều phải được giải phóng, bàn giao mặt bằng. Thách thức lớn nhất chính là nguồn gốc đất đa dạng phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền lợi sát sườn của người dân.

Đã có nhiều lúc sự việc trở lên căng thẳng, nóng về chuyện đền bù đất chưa thỏa đáng nhưng với phương châm sát dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân bất cứ nơi nào có việc phối hợp cần giải quyết, MTTQ phường đều chủ động làm việc với các cơ quan đơn vị liên quan đến công trình dự án, tham mưu với chính quyền phường vào cuộc giải quyết thấu tình đạt lý đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các hạng mục công trình.

“Cần lấy khu đân cư làm trung tâm của mọi hoạt động, sát dân, gần dân, nghe dân và hiểu dân, quan tâm giải quyết những vẫn đề bức xúc chính đáng mà nhân dân phản ánh qua kênh của MTTQ, làm tốt vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền”, bà Thu Én chia sẻ.

Bà Én cũng cho biết từng thành viên trong hệ thống Mặt trận phải tự nghiên cứu, học tập để nâng cao năng lực chuyên môn, đổi mới cách tiếp cận, cách nghĩ, cách làm trong từng vị trí. Bên cạnh đó các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở khu dân cư phải sát thực tiễn và đặt lợi ích của người dân và cộng đồng lên hàng đầu mới thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia.

Đến từ một trong những xã nghèo của của huyện Nam Giang, ông Coor Dênh – Trưởng ban công tác Mặt trân thôn Vinh xã Tà Pơơ huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam chia sẻ với đặc thù là địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 99% tổng dân cư, thôn Vinh là nơi còn lưu giữ nhiều tập tục truyền thống phong phú và đa dạng.

Nhưng cùng với đó là nhiều hủ tục lạc hậu như tục thách cưới, tục nối dòng, tảo hôn thậm chí không làm giấy khai sinh hoặc không cho con đăng ký kết hôn, tin vào bùa ngải, ma lai, thầy cúng thầy mo…trở thành một thói quen sinh hoạt không dễ xóa bỏ của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xác định việc thay đổi nhận thức trong đồng bào dân tộc thiểu số để xóa bỏ hủ tục lạc hậu là vấn đề gấp rút, lâu dài phải được thực hiện theo hướng “mưa dầm, thấm lâu”, Ban công tác Mặt trận thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ông Coor Dênh chia sẻ, là cán bộ Mặt trận thôn, ông luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động ở địa phương, đi sát với dân để vận động. Những lần sinh hoạt ở khu dân cư, ông luôn nêu những mẩu chuyện, tấm gương đạo đức Bác Hồ tạo cho người dân trong làng học tập làm theo bằng những việc làm cụ thể, chấp hành tốt hương ước, quy ước ở khu dân cư, giữ gìn sự đoàn kết các dân tộc anh em.

Người cán bộ Mặt trận dân tộc Cơ tu này đã vận động nhân dân tham gia đóng góp ngày công, tiền, hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi. Bản thân ông đã tự nguyện đóng góp hơn 200 triệu đồng xây dựng cầu giúp nhân dân và các em học sinh được đến trường trong mùa mưa lũ.

Vũ Mạnh