Iran có vi phạm thỏa thuận hạt nhân như Mỹ cáo buộc?

Linh Chi 14/10/2017 10:00

Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa từng ngại công khai sự phản đối của mình đối với thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông từng gọi thỏa thuận này là thảm họa, khủng khiếp và một phía, và từng tuyên bố sẽ hủy bỏ hoặc tái đàm phán lại các điều khoản của nó. Từng hai lần xác nhận lại thỏa thuận này, nhưng giờ ông hoàn toàn có thể đảo ngược nó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi thỏa thuận hạt nhân Iran là "thảm họa". (Nguồn: Reuters).

Vào ngày 15/10 tới, Tổng thống Trump sẽ phải đưa ra quyết định cuối cùng trong việc xác nhận Iran có tuân thủ cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015 hay không. Kế hoạch Toàn diện Hành động chung (JCPOA) - mất tới 13 năm đàm phán - nhằm hạn chế chương trình hạt nhân Iran để đổi lại việc gỡ bỏ một số lệnh cấm vận.

Hiện nay, Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch không xác nhận Iran tuân thủ cam kết và chuyển vấn đề này tới Quốc hội, nơi có khoảng thời gian 60 ngày để cân nhắc về việc áp đặt lại các lệnh trừng phạt đối với Iran. Vậy lý do gì đã khiến lãnh đạo Mỹ ghét bỏ thỏa thuận này đến vậy?

Iran thu tiền từ thỏa thuận

Khi còn đang vận động tranh cử, ông Trump thường nói về thỏa thuận Iran như sau: "Chúng ta cho họ 150 tỷ USD, và chúng ta chả nhận được gì". Ông Trump từng tuyên bố như vậy trong một bài phỏng vấn với tờ New York Times và vòng tranh luận trực tiếp thứ hai.

Tổng thống Trump cho rằng Mỹ đã mất đi một số tiền lớn trong "thỏa thuận một chiều" này. Tuy nhiên điều đó là không chính xác. Số tiền trên thuộc về Iran, phần lớn là từ doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của họ. Các ngân hàng của nước này trên thế giới từng bị đóng băng do các lệnh trừng phạt, và việc gỡ bỏ phong tỏa cho khoản tiền của các ngân hàng này là một phần trong thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015.

Thêm vào đó, Iran còn thu về ít hơn nhiều. Tổng số tài khoản được gỡ bỏ đóng băng chỉ đạt 100 tỷ USD. Bộ Tài chính Mỹ còn ước tính rằng Iran chỉ nhận được một nửa trong số đó, thậm chí có thể ít hơn, trong khi các tài sản không liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này vẫn bị đóng băng.

Thử nghiệm tên lửa đạn đạo

Tổng thống Trump từng lên án Iran kịch liệt sau vụ thử tên lửa đạn đạo hồi tháng 9 vừa qua. "Iran vừa thử một tên lửa đạn đạo có khả năng với tới Israel. Họ cũng đang hợp tác với Triều Tiên. Không giống thỏa thuận mà chúng ta có!", ông Trump viết trên Twitter.

Trên thực tế, hình ảnh được hãng truyền thông nhà nước Iran công bố cho thấy đó là một vụ thử thất bại từ hồi tháng 1, chứ không phải một vụ thử trực tiếp vào tháng 9. Thêm vào đó, thỏa thuận hạt nhân chỉ nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran, và các lệnh trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân của nước này thậm chí còn khắc nghiệt hơn nhiều so với của Triều Tiên.

Các thanh sát viên không đủ quyền lực

Tổng thống Trump từng phàn nàn rằng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), một cơ quan trực thuộc LHQ chuyên trách kiểm tra các cơ sở của Iran, không đủ thẩm quyền để kiểm tra các có ở hạt nhân của nước này. Ông cùng nhiều nhà phê bình khác nói rằng các thanh tra viên không được tiếp cận các khu vực quân sự nơi mà các hoạt động đáng ngờ có thể đang diễn ra.

Trên thực tế, thỏa thuận hạt nhân Iran không hề đưa ra tiêu chí kiểm tra các khu vực quân sự của Iran. Nhưng trong trường hợp cần phải tiếp cận, IAEA cần phải có bằng chứng chứng minh sự quan ngại của họ. Giới chức Iran cũng liên tiếp khẳng định rằng các khu vực quân sự của họ sẽ không được tiếp cận bởi IAEA.

Một số hạn chế sẽ hết hạn

Đây chính là phần khiến cho quá trình đàm phán hạt nhân Iran kéo dài tới 13 năm. Nhiều điều khoản của thỏa thuận có đưa ra hạn chót để gỡ bỏ các hạn chế đối với chương trình hạt nhân Iran. Giới phê bình nói rằng khi chúng hết hạn, Iran sẽ lại rảnh tay để chế tạo vũ khí hạt nhân một lần nữa.

Một số các hạn chế này - như tạm ngừng các lò ly tâm hay ngừng phát triển các lò ly tâm hiện đại hơn - sẽ hết hạn vào năm 2025. Một số khác thì tồn tại lâu hơn. Một số khác lại ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân vô thời hạn, và phía Iran cũng cam kết với điều khoản này.

Iran không tôn trọng "tinh thần thỏa thuận"

Hồi tuần trước, trong một cuộc họp với các tướng lĩnh quân đội, Tổng thống Trump tuyên bố rằng Iran không tôn trọng "tinh thần của thỏa thuận".

Tổng thống Trump cho rằng Iran đang vi phạm các cam kết của mình bằng việc ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, ủng hộ các lực lượng dân quân ở một số quốc gia và phát triển nhiều tên lửa đạn đạo mà Iran nói là với mục đích tự vệ.

Không ai bàn luận gì về việc các hoạt động của Iran đang gây ảnh hưởng tới khu vực. Nhưng 6 cường quốc từng tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran cho rằng thỏa thuận này chỉ đơn thuần là về chương trình hạt nhân của Iran. Mục đích chính của thỏa thuận là đảm bảo rằng căng thẳng khu vực không bị biến thành một cuộc chạy đua hạt nhân.

Linh Chi