Bộ Y tế dồn lực phòng, chống bệnh dịch sau bão lũ
Ngay trong ngày 12/10, Bộ Y tế đã cấp 250.000 viên khử khuẩn Cloramin B, 50 cơ số thuốc phòng chống bão lụt, 20 bộ dụng cụ phòng chống lụt bão, 200 phao tròn cứu sinh và 200 áo phao cứu sinh cho tỉnh Hòa Bình phục vụ công tác phòng chống lụt bão.
Ngày 12/10, Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - Thành viên Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai quốc gia, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đến Hòa Bình để kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục sau mưa bão. Cùng đi trong đoàn có thường trực ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Văn phòng Bộ Y tế), Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý môi trường Y tế.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hòa Bình từ 19h ngày 9/10 – 13h ngày 11/10/2017 do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài với lượng mưa từ 282 mm-438 mm đã gây ra ngập lụt, sạt nở đất nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trong đó một số xã vùng cao của huyện Đà Bắc dân cư bị cô lập; các xã Yên Bồng, Khoan Dụ của huyện Lạc Thủy không tiếp cận được bằng đường bộ, chỉ tiếp cận được bằng đường thủy.
Các khu ngập lụt hầu hết là các khu đất canh tác, các tuyến đường giao thông đều bị sạt lở, ngoài ra một số diện tích nuôi trồng thủy sản đều bị tràn và nước cuốn trôi …
Trong đó, thiệt hại về y tế theo thống kê sơ bộ của Sở Y tế Hòa Bình hầu hết các trạm y tế của các huyện trên địa bàn tỉnh đều bị ngập úng diện rộng, có 7 trạm y tế bị hư hỏng nặng, 22 trạm y tế xuống cấp và hư hỏng.
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ lở đất khiến 18 người bị vùi lấp tại Huyện Tân Lạc, Trung tâm Y tế đã hỗ trợ các phương tiện, xe cứu thương, cán bộ y tế, trang thiết bị y tế để phối với với Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của huyện trực phục vụ cho công tác cứu hộ nạn nhân.
Nhằm chủ động đối phó với hậu quả nghiêm trọng về vinh môi trường, phát sinh dịch bệnh trên địa bàn sau mưa lũ, Sở Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng công tác hậu cần về thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ; tổ chức thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường sau khi nước rút; chủ động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm. Các đơn vị y tế cung cấp Chloramine B cho nhân dân nhằm khử khuẩn nguồn nước; thu gom và sử dụng vôi bột hoặc hóa chất để xử lý xác động vật, tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm.
Thứ trưởng và đoàn công tác đã đến xã Tân Lạc nơi sảy ra vụ sạt lở đất nhấn chìm 4 hộ dân, khiến 18 người bị vùi lấp, hiện nay đoàn công tác đã tìm kiếm được 9 thi thể nạn nhân.
Qua kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chia sẻ những khó khăn, mất mát với tỉnh Hòa Bình, đồng thời đánh giá cao công tác hỗ trợ, ứng phó cứu hộ các nạn nhân trong vụ sạt đất của ngành Y tế tỉnh Hòa Bình. Ngành Y tế đã thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu; công tác xử lý sau thiên tai, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, do đó ngành Y tế Hòa Bình cần rà soát mọi nhu cầu về cấp phát thuốc, báo cáo Bộ Y tế nếu có nhu cầu để được cung cấp đầy đủ, kịp thời.
Ngành Y tế tỉnh cần nâng cao tinh thần cảnh giác, luôn sẵn sàng đối phó với tình trạng mưa lũ trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường, hướng dẫn nhân dân làm tốt công tác khử khuẩn nguồn nước, tiêu hủy xcc động vật chết.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn giao cho cục Quản lý môi trường y tế cục Y tế dự phòng Bộ Y tế hướng dẫn hỗ trợ địa phương thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, tiêu độc, khử trùng và công tác vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh; đồng thời chú ý các biện pháp nhằm tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm.
Ngay trong ngày 12/10, Bộ Y tế đã cấp 250.000 viên khử khuẩn Cloramin B, 50 cơ số thuốc phòng chống bão lụt, 20 bộ dụng cụ phòng chống lụt bão, 200 phao tròn cứu sinh và 200 áo phao cứu sinh cho tỉnh Hòa Bình phục vụ công tác phòng chống lụt bão.