Thay đổi để thích ứng
Không nằm ngoài sự phát triển chung, thời gian qua Việt Nam nỗ lực hội nhập, mở cửa kinh tế thị trường thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Nhận thức rõ về thị trường tiềm năng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài xem Việt Nam là “địa chỉ đỏ” để “rót vốn” cho hoạt động đầu tư.
Thực tế cho thấy, sự phát triển của doanh nghiệp nước ngoài cùng sản phẩm chất lượng, phương thức phục vụ nhiệt tình như luồng gió mới tăng lựa chọn cho khách hàng.
Mới đây nhất, Công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 (IQ8) của Nhật Bản chính thức khai trương cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội. Đây là doanh nghiệp có vốn nước ngoài 100% mở cửa hàng xăng dầu đầu tiên tại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, việc IQ8 mở cửa hàng xăng đang phá thế độc quyền của xăng dầu nội địa (Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro đang chiếm 75% thị phần cả nước) và từng bước lấy lòng người tiêu dùng.
IQ8 lên kế hoạch áp dụng hệ thống phần mềm quản lý tự động tại trạm xăng dầu, hệ thống quản lý số lượng nhiên liệu chính xác đến 0,01 lít. Sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh của đơn vị này đã giải tỏa những lăn tăn về gian lận số lượng đong đo, đồng thời tạo sự yên tâm cho khách hàng. Chưa dừng lại ở đó, IQ8 gây ngạc nhiên cho người tiêu dùng bởi cung cách phục vụ.
Thực hiện đúng phương châm “khách hàng là thượng đế”, lãnh đạo, nhân viên cửa hàng xăng IQ8 của Nhật Bản không ngừng cúi đầu chào khách hàng đổ xăng.
Thậm chí, nhân viên sẵn sàng lau chùi kinh xe nếu khách có nhu cầu. Dựa trên hình thức đón tiếp, cung cách phục vụ khách hàng của cửa hàng xăng dầu mới “chân ướt chân ráo” vào thị trường Việt Nam, người tiêu dùng thấy vui lạ vì họ đang được tôn trọng, o bế đúng nghĩa.
Tương tự với cửa hàng xăng dầu Nhật Bản, thị trường vận tải hành khách công cộng mà cụ thể là phương tiện taxi trong nước thời gian qua chứng kiến sự lan tỏa của dịch vụ Grab, Uber. Phá vỡ thế độc quyền của một vài ông lớn trong nước, mô hình mới từ Grab, Uber tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Điều đặc biệt, khi lựa chọn phương tiện này khách hàng được chăm sóc bằng sự nhanh nhạy, nhiệt tình với phương thức thanh toán minh bạch, chưa kể đến giá cả cạnh tranh.
Rõ ràng, trước làn sóng hội nhập sâu rộng, chắc chắn không tránh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trên thương trường nhằm chiếm thị phần tiêu dùng. Song, mô hình kinh doanh phụ thuộc vào từng giai đoạn riêng. Xã hội phát triển theo hướng hiện đại không chấp nhận phương thức kinh doanh cũ kỹ.
Yêu cầu đặt ra hiện nay, doanh nghiệp trong nước buộc phải thích ứng với điều kiện mới. Nghĩa là, cần phải thay đổi mô hình kinh doanh, áp dụng sản phẩm tiện dụng nhất, từng bước chấn chỉnh cung cách phục vụ hướng đến chất lượng nhằm tăng sự lựa chọn cho khách hàng.