Lỗ Khê, mạch nguồn ca trù vẫn chảy

Minh Phúc 14/10/2017 08:10

Bao nhiêu năm qua, dù điều kiện kinh tế còn gian khó, nhưng chưa bao giờ mảnh đất Lỗ Khê, với những nghệ nhân hiền lành, thông minh và nghĩa tình bị bớt đi niềm say mê vốn có với ca trù. Họ vẫn đang trao truyền cho thế hệ trẻ, để ca trù không những không bị mai một mà ngày càng tỏa sáng.

Giáo phường ca trù Lỗ Khê tham dự Liên hoan ca trù toàn quốc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Trong hành trình đến gần hơn với các giá trị văn hóa dân tộc, có thể nói TP Hà Nội vẫn được coi là một trong những địa phương có nhiều “địa chỉ” ca trù nhất cả nước. Làng Lỗ Khê (Liên Hà, Đông Anh) là địa chỉ như thế của Thủ đô. Đây là nơi chốn tổ của ca trù, ông tổ ca trù Đinh Dự là con trai tướng Đinh Lễ.

Trong khởi nghĩa Lam Sơn, Đinh Lễ được Lê Lợi cử ra Bắc và lập đồn doanh trại tại Lỗ Khê, đồng thời cưới vợ sinh con tại nơi này. Đinh Dự lớn lên giỏi đàn hát lấy vợ là Đường Hoa Tiên Hải. Hai vợ chồng mở giáo phường dạy hát, nổi tiếng khắp vùng. Về sau nhân dân tôn vợ chồng ông Đinh Dự là tổ ca trù.

Như vậy, ca trù có ở Lỗ Khê từ đầu thế kỉ X. Suốt mấy trăm năm qua, ca trù là nơi đào tạo ra nhiều đào nương, kép đàn nổi tiếng khắp cả nước. Đầu thế kỉ XX, khi ca trù phổ biến, nhiều người làng Lỗ Khê mở ca quán tại phố Khâm Thiên.

Nhưng khi ca trù bị hiểu lầm là âm nhạc “thời phong kiến”, không ít người trong làng Lỗ Khê tỏ ra nuối tiếc. Đến năm 1990, nó được khôi phục trở lại, mảnh đất ca trù Lỗ Khê bắt đầu có bước phát triển. Không thể mất bản sắc văn hóa, năm 1995, chính quyền thôn Lỗ Khê đã thành lập CLB ca trù. Ban đầu thành lập có 54 người tham gia, trong đó có gần 20 người biết hát, đàn, trống cùng với một số nghệ nhân nòng cốt.

Ông Nguyễn Văn Đạm- chủ nhiệm CLB cho biết: “Bấy giờ địa phương đã động viên cụ Phạm Thị Mùi, một ca nương nổi tiếng của Hà Nội vốn đã nhiều tuổi đứng ra dạy cho lớp trẻ. Dù ca trù bị chững lại một thời gian dài nhưng các cháu học rất nhanh. Hai cháu Phạm Thị Mận, Nguyễn Phương Thảo là lứa học trò đầu tiên của thời kì ca trù Lỗ Khê bắt đầu khôi phục đều là những ca nương có năng khiếu”.

Mỗi khi nhắc đến ca trù Lỗ Khê, người ta thường nhớ đến nhà nghiên cứu Hoàng Kỷ- một người đánh trống trầu có tiếng. Mấy chục năm trước, khi phong trào hát ca trù được khôi phục, cụ Hoàng Kỷ trực tiếp đem sổ sách, bút mục đến tận nhà từng nghệ nhân trong làng để ghi chép cẩn về những làn điệu ca trù cổ của Lỗ Khê. Từ vốn hiểu biết của mình, cụ soạn ra những tài liệu về lịch sử ca trù Lỗ Khê, về các làn điệu.

Có thể kể ra các tài liệu biên soạn như ca trù Hát cửa đình, sưu tầm được 40 thể loại bài hát với nội dung còn nguyên vẹn; các bài múa ca trù, sưu tầm ghi chép được 12 bài múa theo thể loại cổ như: múa Tiên, múa bỏ bộ, múa tứ linh... Có thể nói, hiếm có nơi nào ca trù được khôi phục toàn diện như ở Lỗ Khê, khi không chỉ có đào nương, kép đàn xuất sắc, mà còn có cả nhà nghiên cứu am tường văn hóa.

Những lứa nghệ nhân ngày đầu khôi phục ca trù là Nguyễn Văn Tuyến, Phạm Thị Mận, Nguyễn Phương Thảo đã không chỉ đem lại một luồng sinh khí mới cho ca trù mà còn đem về nhiều giải thường danh giá qua các cuộc Liên hoan nghệ thuật truyền thống. Ấn tượng hơn cả là ca nương Phạm Thị Mận và kép đàn Nguyễn Văn Tuyến được xem là những ca nương, kép đàn hay nhất ở thế hệ các anh, các chị. Trong những lớp dạy ca trù thời gian qua do Học viện Âm nhạc Quốc gia tổ chức, họ trở thành những người thầy truyền dạy tâm huyết.

Từ những bước phát triển ấy, thời gian qua, CLB Ca trù Lỗ Khê được nâng cấp thành Giáo phường Ca trù Lỗ Khê với những hình thức hoạt động, đào tạo phong phú hơn. Hiện nay, Giáo phường Ca trù Lỗ Khê ngày càng tích cực đào tạo, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Nhiều em học sinh nhỏ tuổi nhưng rất yêu mến và có năng khiếu với nghệ thuật ca trù.

Tâm sự về công tác truyền dạy, ông Nguyễn Văn Đạm cho biết, hiện nay tuy vẫn mở được các lớp học hát, số lượng học sinh chưa đông và còn thất thường do điều kiện cuộc sống khó khăn, nhưng phần nào vẫn giữ được truyền thống và thắp lên ngọn lửa đam mê di sản của cha ông, làm phong phú đời sống tinh thần trong mọi lứa tuổi.

“Các cháu ở Lỗ Khê đam mê ca trù lắm. Nhưng điều lo nhất là những nghệ nhân giỏi như chị Mận, anh Tuyến đều không sống được bằng hát ca trù. Vì lẽ đó mà các cháu nhỏ dù lòng có đam mê, nhưng gia đình các cháu vẫn băn khoăn, không dám cho các cháu trọn đời gắn bó với ca trù. Chúng tôi mong có chế độ đãi ngộ xứng đáng với nghệ nhân ca trù, chỉ như vậy mới khích lệ các thế hệ sau yên tâm cống hiến cho môn nghệ thuật này”.

Minh Phúc