Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo và truyền thống khoa bảng dòng họ
Nhân kỷ niệm 334 năm ngày Đại đăng khoa của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo (1683-2017), 366 năm sinh của ông (1651-2017), Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo khoa học “Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo và Truyền thống khoa bảng họ Nguyễn Đăng ở Hoài Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh”.
Quang cảnh Hội thảo khoa học về Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo.
27 bài tham luận của các nhà khoa học gửi tới Hội thảo tập trung nghiên cứu, đánh giá các nội dung về quê hương, dòng họ của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo; Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo - Con người và sự nghiệp; Bảo tồn và phát huy truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn Đăng, thôn Hoài Thượng, Bắc Ninh.
Thông qua các tham luận đã làm rõ con người, sự nghiệp của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo cũng như truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn Đăng ở Hoài Thượng, tỉnh Bắc Ninh.
Cũng tại Hội thảo, các nhà khoa học tập trung thảo luận một số nội dung về nhân cách Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo; đóng góp của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo trên các lĩnh vực hoạt động, trên các vị trí ông đã đảm nhiệm; vai trò, vị trí của các vị đại khoa dòng họ Nguyễn Đăng đối với Quốc Tử Giám; giá trị di sản dòng họ Nguyễn Đăng trong điều kiện hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Lê Xuân Kiêu- giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: Dù ở bất kỳ vị trí nào, lĩnh vực nào, Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo luôn thể hiện một vị quan thanh liêm, chính trực, tận tâm với công việc chung của đất nước và năng tấm lòng thương dân, trọng dân.
Câu nói: “Ta thân làm quan đại thần coi việc triều đình không nỡ ngồi nhìn dân đói mà không xót thương” thể hiện nhân cách cao đẹp của người làm quan thấm đẫm tư tưởng lấy dân làm gốc, muốn làm được nhiều điều tốt cho dân, cho nước.
Cũng theo TS Kiêu, tại ngôi trường Quốc Tử Giám này, Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo đã từng làm Giám sinh rồi sau này trở thành Phó chủ khảo của hai kỳ thi Hội, trực tiếp tham gia tuyển chọn người hiền tài của đất nước. Cùng với những người con ưu tú của dòng họ Nguyễn Đăng như Nguyễn Đăng Cảo, Nguyễn Đăng Minh, Nguyễn Đăng Tuân... Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo đã để lại di sản quý giá cho vùng đất Kinh Bắc. Sức sống của những di sản đó vẫn còn cháy mãi trong lòng dân, trong đời sống tinh thần của quê hương Bắc Ninh hôm nay.
Nhân dịp này, BTC cũng đã tổ chức trưng bày chuyên đề về quê hương, dòng họ và Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo tại không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trưng bày giới thiệu tới công chúng gần 100 tài liệu, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật cùng nhiều hiện vật như: thư tịch chữ Hán, gánh sách, hòm sách, bút nghiên,… có liên quan nhằm giúp người xem hình dung thân thế, sự nghiệp Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, các nhà khoa bảng họ Nguyễn Đăng và truyền thống hiếu học của dòng họ.