Ngộ độc khí amoniac nguy hiểm thế nào?

Thanh Trà 15/10/2017 07:45

Ngày 10/10 vừa qua, một xe bồn chở khí NH3 (amoniac) đến cơ sở nằm trên đường An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM, đã xảy ra sự cố rò rỉ. Vụ việc khiến lái xe, hai nhân viên của cơ sở và một người đi đường bị ngạt do hít phải khí độc phải đi cấp cứu và động vật nuôi ở khu vực này chết la liệt, hàng trăm người dân và học sinh phải đi sơ tán… Vụ việc khiến người dân lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.


Xử lý môi trường sau vụ rò rỉ amoniac ở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh

Theo bác sĩ Đặng Quang Thuyết - trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện quốc tế City, TPHCM, amoniac là hóa chất tự nhiên dạng khí, không màu, có mùi khai nhẹ. Khi NH3 tiếp xúc với nước sẽ biến thành NH4OH tạo nên một chất ăn mòn. BS Thuyết khuyến cáo người tiếp xúc với NH3 nồng độ thấp có thể bị dị ứng da, dị ứng tai mũi họng. NH3 nồng độ cao khiến người và động vật bị phỏng da mặt, tổn thương niêm mạc, bỏng đường hô hấp, suy hô hấp, thậm chí tử vong chỉ sau vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.

Tổ chức Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (OSHA) quy định giới hạn thời gian phơi nhiễm NH3 trong không khí tối đa 15 phút ở nồng độ thể tích 35 ppm, 8 giờ ở nồng độ 25 ppm. Tại Việt Nam, nồng độ NH3 cho phép tối đa là 0,2 mg/m3.

Để phòng tránh bị ngộ độc, BS Thuyết khuyên mọi người khi phát hiện hoặc nghi ngờ có rò khí amoniac (với mùi khai đặc trưng), nên nhanh chóng bịt mũi chạy khỏi hiện trường càng xa càng tốt, đến nơi có vùng không khí trong lành. Dùng khăn ướt, khẩu trang hoặc khăn tay nhúng nước bịt vào mũi sẽ hạn chế nguy cơ hít phải khí độc. Nếu không may chất này dính vào cơ thể, cần rửa sạch da với xà phòng và nước, rửa mắt sạch với nhiều nước. Không dùng chất tẩy để rửa amoniac trên da.

Ngoài ra phải nhanh chóng cởi bỏ quần áo dính amoniac. Nếu là áo chui đầu nên cắt bỏ, tránh cởi qua đầu để hạn chế tiếp xúc với hóa chất. Cho quần áo vào túi nhựa và cột kín miệng để tránh gây nhiễm thêm cho nạn nhân và người khác. Để các túi này ở nơi an toàn, tránh xa mọi người, nhất là trẻ em.

Trong trường hợp nạn nhân nuốt phải amoniac cần nhanh chóng cho nạn nhân súc miệng nhiều lần bằng nước lạnh và nhổ đi. Không gây nôn và không cho nạn nhân uống các loại dầu với mục đích trung hòa axit. Nếu nạn nhân nôn thì phải để đầu thấp hơn chân để tránh vật nôn lọt vào phổi. Sau đó đưa nạn nhân đến trạm y tế hoặc bệnh viện để cứu chữa.

Nếu nạn nhân hôn mê cần làm hô hấp nhân tạo đến khi tỉnh. Trường hợp bệnh nhân không tỉnh, tiếp tục hà hơi thổi ngạt cho tới khi có nhân viên y tế tới hỗ trợ.

Cũng theo BS Thuyết, nạn nhân bị ngộ độc amoniac có dấu hiệu thay đổi tri giác, khó thở, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.

Thanh Trà