Đoạn ghi âm khiến vụ điều tra ‘sóng âm’ ở Cuba thêm phần bí ẩn

16/10/2017 08:05

Một đoạn băng ghi âm thu lại được thứ âm thanh mà các nhân viên ngoại giao Mỹ ở Cuba đã nghe thấy khiến họ chịu tổn thương mới đây đã được công bố, khiến cho vụ việc gây ảnh hưởng tới ít nhất 22 nhà ngoại giao cùng người thân của họ càng trở nên phức tạp.


Đại sứ quán Mỹ tại Havana, Cuba. (Nguồn: AP).

Kết quả hạn chế

Đoạn thu âm nói trên - được hãng thông tấn AP công bố - là mẫu âm thanh đầu tiên được công bố có liên hệ với các vụ tấn công, theo giới chức Mỹ, và có khả năng liên quan tới việc sử dụng một thiết bị phát âm thanh nào đó. Hiện các nhà điều tra vẫn đang tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân đăng sau khoảng 50 vụ tấn công được cho là nhằm vào các nhà ngoại giao.

Trong nhiều tháng liền, bắt đầu từ cuối năm ngoái, các nhà ngoại giao Mỹ ở Havana (Cuba) đã phàn nàn sự việc xảy ra vào ban đêm ở nhà hoặc phòng khách sạn của họ, khiến cho họ cảm thấy mệt mỏi - thường là triệu chứng buồn nôn, choáng váng và đau đầu cùng những âm thanh lạ giống như côn trùng bay hoặc thanh kim loại kéo lê dưới sàn nhà.

Chính quyền Mỹ trước đó khẳng định rằng phía chính phủ Cuba không hề có liên quan tới vụ việc, trong khi giới chuyên gia cũng cho rằng quốc gia này không đủ kỹ thuật khoa học để gây ra các vụ tấn công hết sức phức tạp kiểu này.

Giới chức Mỹ trong tuần qua cho hay họ đang điều tra về khả năng có một nước thứ ba đứng đằng sau vụ việc, có thể nhằm âm mưu "chia rẽ Mỹ và Cuba", theo CNN.

Sự pha trộn các âm thanh cao độ được nghe thấy trong đoạn ghi âm nói trên trùng khớp với điều mà các nhà ngoại giao Mỹ đã mô tả lại lúc họ còn ở Cuba vào thời điểm xảy ra các vụ tấn công. Đoạn ghi âm cũng làm dấy lên sự quan tâm của các nhà chuyên gia thanh học sau khi nó được phân tích bởi ông Kausik SArkar, Giáo sư chuyên ngành thanh học tại ĐH George Washington.

Trong khi âm thanh trong đoạn ghi âm dường như tương tự với mô tả mà các nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Havana từng đưa ra, ông Sarkar cho rằng nó còn làm dấy lên nhiều nghi vấn hơn là câu trả lời xung quanh giả thuyết cho rằng một vũ khí siêu thanh đã được sử dụng trong vụ việc.

Ông Sarkar cho hay ông đã thực hiện một cuộc phân tích dải âm thanh của đoạn băng ghi âm nói trên, tuy nhiên kết quả bị hạn chế do được ghi bằng điện thoại di động. "Nó giống như việc nghe nhạc giao hưởng được thu bằng điện thoại di động thay vì thực sự nghe nhạc sống", ông Sarkar nói.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, đoạn ghi âm cũng chỉ "thu lại được các phần nghe được của dải âm thanh" nên ông "không thể biết được năng lượng âm ở dải tần số thấp (hạ âm) hoặc tần số cao (siêu âm)", thêm rằng có khả năng tai của các nạn nhân đã thu phải nhiều năng lượng âm thanh khác.

"Âm thanh có năng lượng cực cao có thể dẫn tới mất thính lực và nhiều ảnh hưởng sinh học khác. Tuy nhiên, điều vẫn khó hiểu là làm thế nào nó có thể gây nên tổn thương não" - ông Sarkar nói.

Âm thanh và ảnh hưởng tới con người

Giới chuyên gia về thanh học và y tế đều đồng tình rằng có thể đưa ra được một số kết luận dựa trên đoạn ghi âm mới được công bố. Việc đoạn ghi âm được công bố cũng làm dấy lên sự đồn đoán rằng một "vũ khí siêu thanh" có thể đã gây ra tổn thương cho các nhân viên ngoại giao Mỹ.

"Chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên một tổ hợp âm thanh nhiều tần số có thể gây ảnh hưởng tới chức năng cơ thể con người, đặc biệt là chức năng não" - tiến sỹ Jeffrey Kim, thuộc Khoa Tai họng ĐH Georgetown, cho hay - "Ngay cả các âm thay tần số thấp mà con người không thể nghe được cũng có thể ảnh hưởng tới các phần não bộ kiểm soát cảm xúc, ký ức và nhận thức".

Vị tiến sỹ còn nêu ra một số nghiên cứu được thực hiện tại các cối xay gió cỡ lớn, trong đó kết quả cho thấy những người sống gần các cối xay này thường có tỷ lệ mắc cao hơn đối với các triệu chứng như mệt mỏi, hay bực mình, khó ngủ, uf tai và choáng váng.

"Bởi vậy nếu như thường xuyên phải tiếp nhận các tiếng động nhất định có thể dẫn tới các triệu chứng như các nhà ngoại giao Mỹ vừa qua, đặc biệt nếu họ tiếp nhận nó trong một thời gian dài, và với âm lượng cao" - ông Kim nói.

Các triệu chứng nêu trên thường là do phần tai trong - vốn kiểm soát sự cân bằng - gây nên, bởi các âm thanh trong dải tần số mà tai người nghe thấy được không thể gây ra các triệu chứng như vậy.

Vũ khí hóa âm thanh

Trong khi chứng minh được rằng âm thanh năng lượng cao ở dải tần số mà tai người không nghe được có thể gây tổn hại cho con người, giới chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng có một thiết bị đã được sử dụng để phát sóng hạ âm/siêu âm trong vụ nhân viên đại sứ quán Mỹ.

Kể từ những năm 1990, quân đội Mỹ cùng các công ty tư nhân đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo các thiết bị phát sóng hạ âm có khả năng thay đổi hành vi con người. Tuy nhiên, James Parker, chuyên gia về âm thanh tại ĐH Melbourne (Australia), chỉ ra rằng sóng hạ âm khó có thể được sử dụng làm vũ khí.

"Có nhiều loại thiết bị siêu âm được sử dụng như vũ khí, nhưng không cái nào trong số đó sử dụng sóng hạ âm" - ông Parker cho hay.

Theo vị chuyên gia, dù sóng hạ âm có thể gây ra các triệu chứng tương tự như các nhân viên ngoại giao Mỹ, nhưng dải sóng của chúng rất khó tập trung vào một khu vực nhỏ, bởi vậy mà khó có thể có một thiết bị nào đó được sử dụng trong vụ tấn công ở Cuba.

Cũng giống như hạ âm, siêu âm là thứ tai người không thể nghe được do tần số của chúng cao hơn dải tần mà tai người có thể nghe thấy.

Jurgen Altmann, giáo sư Vật lý thuộc trường ĐH Công nghệ Dortmund (Đức), nói rằng vẫn chưa thể chắc được rằng thiết bị nào - nếu có - được sử dụng trong vụ tấn công ở Cuba. Nhưng ông cho rằng các thiết bị phát sóng siêu âm khó có thể được sử dụng để tấn công, đặc biệt là khi chúng được đặt ở khoảng cách xa.

"Người ta có thể nghi ngờ rằng một thiết bị phát sóng siêu âm nào đó đã được sử dụng, nhưng việc phóng siêu âm qua một khoảng cách xa hay xuyên qua các bức tường, cửa kính khép kín là việc cực khó" - ông Altmann nói.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này thì sóng siêu âm sẽ bị dội lại khi va phải các bức tường nếu thiết bị phát đặt ở bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Havana.