Châu Âu ra tuyên bố chung ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran
Lãnh đạo nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ gồm Đức, Anh và Pháp hôm 15/10 đã công khai tuyên bố ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran vốn đang bị Tổng thống Mỹ Donald Trump cực lực phản đối, nói rằng thỏa thuận này mang lại lợi ích an ninh quốc gia chung của họ.
Lãnh đạo Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung kêu gọi Mỹ cân nhắc lại thỏa thuận hạt nhân Iran. (Nguồn: Reuters).
Cuối tuần qua, Tổng thống Trump tiếp tục nói rằng, ông sẽ không phê chuẩn thỏa thuận đa phương này. Ngườ đứng đầu chính quyền Mỹ cho rằng, Iran đã không tuân thủ tinh thần của thỏa thuận ký kết năm 2015 đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ cùng các đồng minh của nước này xem xét lại "các thiếu sót nghiêm trọng" hoặc "hủy bỏ" nó.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố chung đưa cùng ngày, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói rằng họ sẽ tiếp tục giữ vững cam kết trong thỏa thuận này "và việc thực thi đầu đủ bởi tất cả các bên".
"Thỏa thuận hạt nhân là thành quả của 13 năm nỗ lực ngoại giao và là một bước tiến lớn nhằm đảm bảo rằng chương trình hạt nhân của Iran không bị chuyển hướng sang mục đích quân sự" - Tuyên bố chung nêu rõ.
Các nhà lãnh đạo châu Âu không trực tiếp bình luận về quyết định của Tổng thốg Trump nhưng nói rằng họ quan ngại về việc hủy bỏ nó. Cao ủy EU về vấn đề đối ngoại, bà Federica Mogherini, cũng lên tiếng ủng hộ mạng mẽ thỏa thuận này và bác bỏ suy nghĩ cho rằng sẽ có nước thành viên EU rút khỏi nó.
"Đây không phải một thỏa thuận song phương, nó không thuộc về bất kỳ một quốc gia nào, và việc hủy bỏ nó không phải quyết định của một quốc gia" - bà Mogherini nói - "Đó là một thỏa thuận thiết thực. Chúng ta không thể hủy bỏ nó".
EU kêu gọi Mỹ cân nhắc lại
Giải thích về ý kiến của mình, Tổng thống Trump đã chỉ ra "nhiều vi phạm thỏa thuận". Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), các đồng minh của Mỹ và chính phủ Mỹ đều nói rằng Tehran đang tuân thủ theo thỏa thuận.
Trong tuyên bố chung của mình, bà May, Merkel và ông Macron đều nhắc lại quan điểm của họ rằng Iran không vi phạm thỏa thuận hạt nhân - hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - và điều này cũng được chứng thực bởi Hội đồng Bảo an LHQ.
"Bởi vậy chúng tôi khuyến khích chính quyền và Quốc hội Mỹ cân nhắc lại lợi ích về an ninh của Mỹ cùng các đồng minh của họ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào gây ảnh hưởng tới JCPOA, ví dụ như áp đặt lại các lệnh trừng phạt với Iran vốn đã được gỡ bỏ theo thỏa thuận này" - tuyên bố nêu rõ.
Cả bà May cùng ông Macron đều đã có cuộc nói chuyện với ông Trump chỉ vài ngày trước khi đưa ra tuyên bố chung kêu gọi ông tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran - vốn có sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, EU và Iran.
Tuyên bố mà ông Trump đưa ra cũng đồng nghĩa với việc Quốc hội Mỹ sẽ có khoảng thời gian 60 ngày để quyết định về việc áp đặt lại các lệnh trừng phạt với Iran, một động thái có thể khiến Mỹ trở thành bên đầu tiên vi phạm thỏa thuận. cùng lúc, Tổng thống Trump nói rằng Mỹ sẽ đưa ra cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Iran.
Trong lúc nhiều lãnh đạo EU lên tiếng ủng hộ thỏa thuận với Iran thì Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại hoan nghênh Tổng thống Trump vì "quyết định dũng cảm" khi không phê duyệt lại thỏa thuận này.
Ngoài ra, Arab Saudi cũng hoan nghênh cái mà họ gọi là "chiến lược kiên quyết" của Tổng thống Trump đối với "Iran và hướng tiếp cận hung hăng của nước này". Vương quốc này trước đây từng ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran vì tin rằng nó là điều cân thiết để ngăn chặn việc phát triển hạt nhân.
Phản ứng từ Iran
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đưa ra một bài phát biểu trực tiếp ngay sau khi Tổng thống Trump nói về thỏa thuận hạt nhân, nói rằng ông Trump không thể tự ra quyết định về số phận của thỏa thuận này.
"Đây là một thỏa thuận quốc tế, đa phương đã được Hội đồng Bảo an LHQ phê chuẩn/ Đó là một văn kiện của LHQ. Một Tổng thống không thể đơn phương bác bỏ thỏa thuận này" - ông Rouhani nói.
Ông Rouhani nói rằng Iran sẽ tiếp tục "tuân thủ thỏa thuận theo đúng khuôn khổ luật pháp quốc tế" nếu họ tiếp tục hưởng lợi từ nó. "tuy nhiên, nếu một ngày, các lợi ích của chúng tôi không được đáp ứng hoặc các bên khác từ chối tuân thủ thỏa thuận, Iran sẽ không do dự mà đưa ra phản ứng đáp trả", ông Rouhani nói.
Diễn biến liên quan tới thỏa thuận hạt nhân Iran khiến nhiều quốc gia châu Âu cho rằng Mỹ không còn nắm vai trò chủ chốt trên thế giới. Tháng 6 vừa qua, khi Nhà Trắng tuyên bố rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, các quốc gia khác đã lên tiếng phản đối đồng thời gia hạn thỏa thuận này.