Động lực cho tăng trưởng bền vững
Trong bối cảnh hội nhập, nếu chỉ có chiến lược kinh doanh tốt mà không quan tâm đến trách nhiệm xã hội trong việc bảo vệ môi trường cùng những yếu tố khác liên quan đến đạo đức kinh doanh là chưa đủ với doanh nghiệp (DN). Theo nhận định của giới chuyên gia, muốn phát triển bền vững, cần có tầm nhìn dài hạn nếu không sẽ sớm thất bại.
Kinh doanh phải đi đội với trách nhiệm xã hội.
Thương hiệu và chữ tín
Xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực hiện trách nhiệm xã hội là một yêu cầu cấp thiết đối với các DN Việt Nam, bởi đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao sức cạnh tranh đồng thời là một trong những yếu tố tiên quyết đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi đưa ra lựa chọn đầu tư. Giới chuyên gia nhận định, những thương hiệu lớn đi lên từ chất lượng sẽ không bao giờ chấp nhận trả giá bằng uy tín thương hiệu để đổi lấy lợi ích ngắn hạn nếu hạ thấp tiêu chuẩn để hạ giá thành. Do đó, nếu các DN chủ động lồng ghép được trách nhiệm xã hội vào chiến lược hoạt động của mình thì chắc chắn DN đó sẽ có ngày càng phát triển.
Tại diễn đàn Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ IV được tổ chức mới đây, vấn đề này tiếp tục được nhà quản lý, giới chuyên gia, các DN tập trung đề cập. Theo ông Trần Vũ Hoài - Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Đối ngoại Unilever Việt Nam, với mục tiêu phát triển bền vững, tầm nhìn dài hạn, công ty đã luôn gắn trách nhiệm của mình với việc đảm bảo môi trường sạch, an toàn, giữ chữ tín cho người tiêu dùng. Nhờ duy trì phương thức hoạt động đó, các nhãn hàng bền vững của Unilever đạt tăng trưởng tốt hơn.
Ông Leo Evers - Tổng Giám đốc Điều hành Heineken Việt Nam đã chia sẻ về giải pháp sáng tạo của DN trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo cũng như tăng tỷ lệ tái chế và tái sử dụng hướng tới hoạt động không chất thải trong tương lai gần.
“Hiện 4/6 nhà máy của Heineken Việt Nam nấu bia bằng 100% năng lượng sinh khối và tới 99% phụ phẩm và phế liệu của Heineken Việt Nam được tái chế hoặc tái sử dụng. DN này cũng không ngừng giảm thiểu lượng nước tiêu thụ trong sản xuất và quản lý nước thải. Nước thải tại các nhà máy luôn đảm bảo tuân thủ và vượt trên các quy định của pháp luật, có thể tái sử dụng để trồng cây và nuôi cá” – Vị đại diện Heineken khẳng định.
Đừng để lợi nhuận cao hơn trách nhiệm
Theo chia sẻ của nhiều DN, xây dựng một thương hiệu là việc không dễ, nhưng để thương hiệu đó tồn tại được lâu dài thì còn khó khăn, thách thức hơn nhiều, không ngoại trừ phải hy sinh và đánh đổi. Lấy ví dụ đơn giản, DN đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải trước tiên là gia tăng chi phí, ảnh hưởng trực tiếp làm giảm lợi nhuận công ty nhưng trong thời gian dài, hành động này sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cộng đồng xung quanh, người lao động, cán bộ, công nhân viên không bị ảnh hưởng sức khỏe. Như vậy, giá trị, uy tín thương hiệu của công ty sẽ luôn được đảm bảo.
Ngược lại, những DN làm ăn với tầm nhìn ngắn hạn, chỉ coi lợi nhuận là trên hết thì sẽ sớm phải trả giá. Hẳn dư luận xã hội vẫn chưa quên sự việc Vedan xả thải gây ô nhiễm môi trường, ngay sau đó, Vedan bị dư luận xã hội lên án và đã phải đóng cửa nhà máy. Cho đến nay, người ta vẫn nhắc đến Vedan – một DN FDI lớn bước chân vào Việt Nam nhiều năm trước với cái nhìn không mấy thiện cảm.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực hiện trách nhiệm xã hội đã giảm tới 99% phát thải khí CO2, nói không với xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp, sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng tới 98-99% phụ phẩm và phế liệu, tạo ra nhiều việc làm đàng hoàng cho người lao động…
“Thực hiện trách nhiệm xã hội để kinh doanh bền vững và nhân văn hơn chính là cách tốt nhất để xây dựng thương hiệu, phát triển kinh doanh, chiếm được tình cảm của xã hội, nhà đầu tư và người tiêu dùng, mở rộng được thị trường, thu hút thêm các nguồn lực cho phát triển” – ông Lộc khẳng định.